Ghé khu vực chợ Hóc Môn (H.Hóc Môn, TP.HCM) hỏi quán chè của bà Kim Yến thì dường như ai cũng biết, bởi quán này được mệnh danh là quán chè “đắt nhất Hóc Môn”. Đó là lý do mà nhiều tiểu thương trong chợ nói vui rằng nếu muốn biết hôm đó chợ đông hay thưa khách, cứ nhìn vào quán chè của bà Kim Yến!
“1 tuần 7 ngày thì ăn chè hết… 8 ngày!”
Hơn 16 giờ, quán chè bắt đầu mở bán. 3 nhân viên trong quán, người thâm niên thì làm cũng hơn 20 chục năm, người trẻ hơn thì cũng làm vài năm trở lại đây tất bật chuẩn bị, bày gần 30 loại chè khác nhau lên bàn hết sức bắt mắt. Ở đây, từ chè nóng (ăn nóng) đến chè lạnh (ăn kèm với đá) đều có đủ, đặc biệt nhiều loại chè được đựng trong những chiếc thau “tổ chảng” khiến tôi có phần ngạc nhiên.
Vừa mở bán, quán chè của bà Kim Yến liên tục có khách ghé mua.
Vừa mở bán, khách đã bắt đầu ghé đến liên tục như thể đã quen với giờ giấc của tiệm này từ lâu, chủ yếu mang đi. Đủ các loại chè để chọn từ chè chuối hấp, chè khoai môn, chè bắp đến chuối chưng, trôi nước, táo xọn, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, chè thưng…
Một nhân viên có thâm niên 20 năm làm việc tại quán chè này giới thiệu ở đây có gần 10 loại chè nóng và gần 20 loại chè lạnh, đa dạng cho sự lựa chọn của khách. Thông thường quán mở từ 16 giờ và đến khoảng 23 giờ là bán hết.
Đa phần, khách đến đây đều là khách quen, là người dân sống ở khu vực Hóc Môn. Tuy nhiên cũng có nhiều người nghe danh quán chè nên từ tỉnh lân cận TP.HCM như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… có dịp đến thành phố đều ghé đây.
Đủ các loại chè nóng, chè lạnh được bày bắt mắt.
Càng về chiều, lượng khách ghé quán càng đông hơn. Lúc cao điểm khách vây kín quán chờ bà chủ cùng nhân viên vã mồ hôi chuẩn bị những phần ăn hoàn chỉnh cho khách. Đã quen với công việc, anh cũng tay nhanh thoăn thoắt, cố gắng cho khách không phải chờ đợi quá lâu.
Bà Thanh Hằng (54 tuổi, ngụ Hóc Môn) cho biết mình là khách “ruột” của quán suốt mấy chục năm nay, từ đời của mẹ bà chủ hiện tại. Vì ăn đã quá lâu nên bà cười nói mình không nhớ lần đầu ăn ở đây là khi nào, chỉ biết là hương vị chè ở đây hợp khẩu vị nên ngày nào cũng ghé ủng hộ.
“Không biết bà chủ nấu gì mà mình ăn mình bị ghiền, ngày nào cũng ghé mua. Ông xã tôi cũng vậy, thấy tôi đi mua cũng dặn tôi mua luôn một phần. Chè ở đây vừa miệng, không quá ngọt gắt, có nhiều loại nên có thể đổi món mỗi ngày mà không bao giờ ngán”, vị khách “ruột” nhận xét.
Gọi một phần chuối hấp cốt dừa và chè thưng mang về, chị Thanh Loan (27 tuổi) hào hứng cho biết hầu như lần nào tới mua cũng thấy quán đông khách. Theo lời kể của chị Loan, từ nhỏ chị đã ăn chè ở đây, mỗi khi đi học hay giờ đi làm về chị cũng đều ghé mua ăn như một thói quen.
“Một tuần 7 ngày thì mua ăn hết 8 ngày rồi! Nói cho vui vậy chứ thực ra mình ghiền chè ở đây lắm, tại mình cũng hảo ngọt, cô chủ cũng vui tính dễ thương. Có phải chờ đợi một chút nhưng không sao. Chắc chắn mình sẽ ăn ở đây hoài vì là quán chè tuổi thơ của thế hệ tụi mình mà”, vị khách nói thêm.
Công thức nấu chè từ đời bà ngoại
Quán chè được đặt theo tên của bà Phạm Thị Kim Yến (57 tuổi, chủ quán hiện tại), nhưng nhiều người dân sống lâu năm ở đây vẫn thường nhớ đến quán với tên gọi thân thương “chè bà Tư trôi nước” bởi mẹ bà Yến mở quán chè này trước năm 1975.
Kể với chúng tôi bằng giọng điệu từ tốn và thanh lịch, bà cho biết hồi đó quán chè không khang trang, rộng rãi với mặt bằng thuê như bây giờ mà được bà Tư đem gánh đi bán dạo vòng vòng khu vực Hóc Môn. “Lúc đó, tôi còn nhỏ lắm. Chỉ nhớ mỗi ngày mẹ nấu chè rồi rời nhà, đi một vòng về là hết”, bà chủ nhớ về hình ảnh người mẹ quá cố của mình.
[CLIP]: Bà Yến kế thừa gánh chè của mẹ.
Mẹ bà kể lại công thức nấu chè bà được bà ngoại truyền lại, nhờ đó mà cụ Tư nuôi 6 người con khôn lớn trưởng thành. Nay anh chị em của bà đều có công việc riêng, chỉ còn bà kế thừa món ăn của bà ngoại, của mẹ truyền lại.
Sau năm 1975, gia đình của bà vẫn sống nhờ gánh chè của cụ Tư. Tuổi thơ của bà là những ngày phụ mẹ nấu chè, theo mẹ bán chè. Vậy là gánh chè trở nên thân thương trong ký ức thơ ấu của bà chủ đến cả hiện tại.
“Sau này mẹ con tôi không đi bán dạo nữa mà mở một xe chè bán cố định ở một góc đường Trần Bình Trọng này. Lúc đó còn bán bằng đèn dầu vào ban đêm cho người lao động, nên người ta cũng gọi là chè đèn dầu. Sau này có điều kiện hơn chút thì mình thuê mặt bằng, rồi lắp đèn điện”, bà chủ nhớ lại.
Khách nhận xét chè không quá ngọt, ăn vừa miệng.
Hồi đó, bà cùng mẹ bán chừng 5 – 6 loại chè cơ bản, quen thuộc. Sau này, để phục vụ cho nhu cầu của khách và trụ vững với thời gian, bà mới bắt đầu làm thêm nhiều loại chè mới hơn. Theo bà Kim Yến, hiện tại quán của bà có một lượng khách ổn định. Vào cuối tuần hoặc ngày rằm khách có phần đông hơn so với bình thường.
2 năm trước, cụ Tư mất ở tuổi 78. Đó cũng là lúc bà chính thức kế thừa quán chè tâm huyết cả cuộc đời của mẹ. Nói về người mẹ quá cố, bà xúc động nói rằng ngay cả những ngày tháng cuối đời, cụ cũng phụ bà công việc nấu chè. Ngày mẹ mới mất, bà có phần hụt hẫng.
“Mẹ còn sống, chuyện gì mẹ cũng phụ tôi. Giờ còn tôi với con trai nên cũng thuê thêm nhiều nhân viên hơn. Quán chè là tâm huyết của cả cuộc đời mẹ, là tuổi thơ và thanh xuân của tôi. Nó đã nuôi sống nhiều thế hệ trong gia đình tôi và cũng có thể con trai sẽ là người kế thừa quán chè này”, bà Kim Yến bày tỏ và quyết tâm duy trì quán chè này đến khi nào không còn sức nữa thì thôi.
Cứ như vậy, từng lượt khách cứ ghé mua rồi rời đi để được thưởng thức cái hương vị ngọt ngào mà các thế hệ trong gia đình bà Kim Yến gìn giữ suốt nửa thế kỷ…