Ngày "mở cổng trời" tại Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Nưa - Am Tiên

Báo Văn HóaBáo Văn Hóa07/02/2025


VHO - Hằng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng (tức ngày 6.2), hàng nghìn du khách lại hành hương về Quần thể di tích lịch sử, văn hóa đền Nưa - Am Tiên (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trong ngày “mở cổng trời” để cầu tài lộc, may mắn.

Ngày
Từ tờ mờ sáng, người dân và du khách thập phương đã đổ về dự lễ khai hội đền Nưa - Am Tiên và mở cổng trời

Theo ghi nhận, ngay từ mờ sáng, hàng nghìn du khách đã có mặt tại đền Nưa - Am Tiên để hành hương, du xuân cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới.

Các hoạt động thắp hương, chiêm bái của người dân và du khách diễn ra nhanh chóng, gọn nhẹ, không còn cảnh người dân chen lấn để dâng hương.

Do lượng phương tiện kẹt cứng hàng giờ, nhiều du khách buộc phải đỗ xe bên vệ đường để đi bộ lên đỉnh Ngàn Nưa. 

Ngày
Hằng năm, người dân và du khách thập phương về núi Nưa để cầu mong bình an, gặp nhiều may mắn trong năm mới

Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.

Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” nhiều đời sau vẫn còn lưu truyền mãi.

Ngày
Thầy đồ cho chữ trên Đền Nưa - Am Tiên

Tháng 3.2009, Bộ VHTTDL đã công nhận địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm Núi Nưa - Đền Nưa – Đền Am Tiên là di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Tháng 8.2011, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của nơi đây gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Ngày
Giếng Tiên không bao giờ cạn dù nằm ở trên núi độ cao hơn 500m, không khe, không suối, nhiều năm quanh vùng khô cạn nhưng giếng vẫn đầy nước và trong xanh, không ai xác định được giếng này có từ khi nào. Nơi đây được cho là giếng Bà Triệu và nghĩa quân lấy nước sử dụng hằng ngày. Cũng có truyền thuyết, cứ tối tối lại thấy các tiên nữ tắm nên gọi là giếng Tiên

Tương truyền, Việt Nam có 3 huyệt đạo thiêng, ngoài huyệt đạo ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) và huyệt đạo ở núi Bà Đen (Tây Ninh) thì huyệt đạo tại Am Tiên chính là huyệt đạo thiêng thứ 3 của đất nước.

Huyệt đạo ở Am Tiên được xem là nơi năng lượng vũ trụ của trời và đất giao hòa. Theo quan niệm dân gian, người dân và du khách khi đến huyệt đạo, nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng xung quanh sẽ có được may mắn, bình an.

Ngày
Dòng xe nối đuôi nhau về khu Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Nưa - Am Tiên trong ngày "mở cổng trời"

Hằng năm, cứ đến ngày mùng 9 tháng Giêng, địa phương long trọng tổ chức khai hội Đền Nưa - Am Tiên và lễ “mở cổng trời” trên đỉnh núi Nưa. Nơi “mở cổng trời” là vị trí cao nhất của đỉnh núi, vị trí huyệt đạo.



Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/ngay-mo-cong-troi-tai-di-tich-lich-su-van-hoa-quoc-gia-den-nua-am-tien-120526.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available