Tiếp tục chương trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 5/6, Quốc hội thảo luận về 3 dự án luật, gồm: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh
Vĩnh Phúc tại phiên họp sáng 5/6. Ảnh: TTXVN
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Cuối phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành thảo luận tại tổ số 5 gồm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Gia Lai và Vĩnh Long. Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc điều hành phiên thảo luận.
Cho ý kiến thảo luận về Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Lê Tất Hiếu, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị: Khoản 2, Điều 174 đối với việc bên thuê, mua nhà bị mất cần làm rõ phạm vi của từ ngữ “cùng sinh sống” để đảm bảo quyền lợi của bên thuê. Bên cạnh đó, nên có thêm trường hợp người thừa kế hợp pháp dù không ở cùng nhưng có điều kiện và có nhu cầu thì tiếp tục được thuê, mua nhà ở xã hội…
Đại biểu Lê Tất Hiếu, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần làm rõ nhà ở thương mại có được đầu tư nhằm mục đích sử dụng hỗn hợp không?. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần có hướng dẫn, quy định chi tiết đối với việc chủ đầu tư được dành diện tích 1 sàn để kinh doanh dịch vụ thương mại phục vụ người dân trong phạm vi dự án nhà ở xã hội. Tránh tình trạng tính chi phí sàn nhỏ hơn so với chi phí diện tích xây dựng toàn bộ nhà…
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của cơ quan soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là rất cần thiết.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng liên quan đến nhiều bộ luật, luật hiện hành và các luật dự kiến xem xét thông qua trong thời gian tới cũng như các điều ước quốc tế. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, cập nhật nhằm bảo đảm tính thống nhất, không bị chồng chéo hoặc mâu thuẫn với hệ thống pháp luật cũng như các hiệp định mà Việt Nam là thành viên.
Cũng theo đại biểu Trần Văn Tiến, để bố cục giữa các chương hợp lý, cần nghiên cứu có thể gộp một số chương với nhau. Bên cạnh đó, những quy định nào đã cụ thể và có tính ổn định nên cụ thể hóa ngay trong luật nhằm tăng tính công khai, minh bạch của luật, hạn chế việc ban hành văn bản dưới luật.
Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần thiết phải nêu lý do giảm và cơ sở đề xuất các tỷ lệ như dự thảo. Có đánh giá tác động khi giảm tỷ lệ sở hữu đến thị trường chứng khoán và thu hút đầu tư, cũng như cần phải có các quy định về cách xác định về giá các khoản nợ xấu để làm cơ sở cho việc mua bán nợ xấu.
Thiệu Vũ