Bệ phóng nào giúp sinh viên có tầm nhìn toàn cầu để có thể trở thành những lãnh đạo trẻ? Bạn được gì, mất gì, xây dựng thương hiệu ra sao trong vai trò một lãnh đạo trẻ?
Những đề bài thú vị ấy vừa được bàn thảo khá sôi nổi trong Ngày hội công dân toàn cầu 2024 cuối tuần qua tại TP.HCM. PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy – hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen – cho rằng bệ phóng mạnh mẽ nhất giúp một sinh viên lao nhanh trên hành trình rèn luyện để trở thành nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu chính là trao quyền làm chủ cho các bạn.
Anh NGUYỄN TIẾN DŨNG (chủ tịch JCI Việt Nam 2025)
Thế nào là lãnh đạo trẻ toàn cầu?
Anh Nguyễn Tiến Dũng – chủ tịch đắc cử Liên đoàn Lãnh đạo và doanh nhân trẻ thế giới tại Việt Nam (JCI) 2025, giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư quốc tế Era Pharma – nói lãnh đạo trẻ toàn cầu không chỉ là tên gọi hay địa vị mà ở tư duy, thái độ và hành vi tích cực của một ai đó.
Lý giải, anh Dũng nói tư duy ấy là nhận thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, gắn liền mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội. Chưa kể nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu phải lan tỏa năng lượng, nhiệt huyết, lối nghĩ thay đổi thế giới một cách tích cực nhất đến mọi người.
Hoa hậu du lịch Việt Nam 2008 Phan Ngọc Diễm (chủ tịch JCI Việt Nam 2019) đặt câu hỏi với sinh viên đang có mặt: “Các bạn có muốn mình trở thành một nhà lãnh đạo trẻ không?”. Câu hỏi bất ngờ khiến nhiều bạn ngần ngại song cũng có bạn đưa tay trả lời đang trên hành trình rèn luyện để trở thành một nhà lãnh đạo.
Qua bài kiểm tra nhỏ ấy, chị Ngọc Diễm nói bản thân từng có suy nghĩ mình nhỏ tuổi, chưa kinh nghiệm, ngại đưa ý kiến, sợ sai làm ảnh hưởng đến người khác.
“Đó là giới hạn niềm tin mà muốn trở thành một lãnh đạo trẻ toàn cầu, bạn phải gỡ bỏ hết giới hạn ấy, phải tự phá bỏ rào cản đầu tiên của bản thân, tự tin vào chính mình vì các bạn còn cơ hội cho phép mình sai và đủ thời gian sửa sai”, chị Diễm bày tỏ.
Khi trở thành nhà lãnh đạo trẻ, bạn có thêm cơ hội trau dồi kinh nghiệm sống, có sức ảnh hưởng, đạt thành tựu sớm và nhận được sự tín nhiệm của cộng đồng. Những điều này càng giúp họ tạo ra những giá trị thay đổi tích cực cho xã hội.
“Dù nhiều thách thức, việc trở thành nhà lãnh đạo từ trẻ giúp ta sớm nhận ra và hạn chế cái sai cũng như có cơ hội sửa sai. Nhìn xa hơn ấy là cơ hội để biết cách đặt mục tiêu, bước đi cho cuộc đời mình”, chị Diễm phân tích.
Gợi ý cho gen Z thành phiên bản tốt hơn
Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen Võ Thị Ngọc Thúy chia sẻ bà nhìn thấy một thế hệ Z đầy tự tin, năng động, năng lượng và rất sáng tạo. Bà Thúy nói quan trọng là giúp các bạn sinh viên gen Z hiểu rõ đâu là thế mạnh, điểm yếu để không vì quá tự tin mà sinh tự cao.
Theo bà Thúy, nếu quá tự cao các bạn sẽ khó thu nhận những tri thức, hệ giá trị mới, càng khó nhìn thấy vấn đề của bản thân để soi rọi và chủ động tiếp thu, sửa đổi thành một phiên bản tốt hơn. “Ngay khi làm được những điều đó, sinh viên cũng như các bạn gen Z đã bước được một chân để trở thành lãnh đạo trẻ”, bà Thúy nói.
Từ thực tế công việc, bà Thúy cho biết chọn cách trao quyền cho sinh viên vì nhiều bạn không thích bị dẫn dắt hay cầm tay chỉ việc. Khi đó thầy cô, tri thức hay sự tự tin chỉ là chất xúc tác làm bệ phóng.
Theo bà Thúy, chính việc trao quyền cho làm chủ đề án, dự án mới giúp các bạn gen Z có đủ không gian, cơ hội để khai phóng chính mình.
Lắng nghe, sinh viên Lê Thu Thủy (ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ việc được sinh ra và lớn lên trong thời bình với cuộc sống có môi trường học tập và phát triển đủ đầy là một may mắn. Tuy vậy, Thủy nói sự đủ đầy ấy đôi khi đang dẫn tới nhiều vấn đề khó buộc gen Z đối diện, vượt qua.
Đó có thể là nhiều nỗi sợ khác nhau như lo lắng khủng hoảng bản sắc cá nhân, vô định khi vạch ra đường phát triển, áp lực đồng trang lứa… “Mình chọn cách đặt mục tiêu từng tháng, từng năm và cả lộ trình bốn năm ĐH cần làm gì, đạt được mục tiêu gì để tạo động lực phấn đấu”, Thủy cho hay.
Ba phần trong một hình mẫu lãnh đạo trẻ
Tại talkshow “Lợi thế của tuổi trẻ khi trở thành lãnh đạo trẻ toàn cầu”, có ý kiến tạm đúc kết lãnh đạo trẻ toàn cầu hình mẫu được chia làm ba phần. Người đó cần nhận diện, hiểu rõ những điểm tốt, mặt giới hạn và lãnh đạo được chính mình. Cạnh đó biết cách khai phóng những điểm tốt, chỉnh sửa cái chưa tốt, biết giá trị và giới hạn của bản thân.
Khi lãnh đạo được chính mình, xây dựng được hệ giá trị, niềm tin xã hội, công việc ắt sẽ có sức ảnh hưởng tới một hoặc nhiều người nên cần biết cách kêu gọi, gắn kết người khác lại cùng nhau. Khi chọn đúng người đúng việc sẽ giúp cộng đồng của mình phát triển, cá nhân trưởng thành.
Điều quan trọng là phải hiểu luật chơi, ghi nhận công lao tập thể cao hơn chính mình. “Hoàn thiện bản thân, hiểu mình hiểu người và hiểu luật chơi để tạo nên một tổ chức gắn kết. Đó là chân dung của một lãnh đạo trẻ toàn cầu”, hoa hậu Ngọc Diễm chia sẻ góc nhìn.
Tuyên dương 10 sinh viên tham gia tốt hoạt động quốc tế
Trong khuôn khổ ngày hội, 10 sinh viên tiêu biểu trong hoạt động quốc tế của TP.HCM đã được tuyên dương. Các bạn là những điển hình tham gia tích cực hoạt động giao lưu quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh sinh viên TP.HCM ra quốc tế, cũng là hình ảnh năng động của thế hệ trẻ với tinh thần học hỏi, sáng tạo và dám đương đầu với thử thách, đóng góp tích cực xây dựng cộng đồng toàn cầu.
Ngày hội còn diễn ra vòng chung kết cuộc thi hùng biện “Trách nhiệm trẻ – Sứ mệnh vì mục tiêu bền vững” chia sẻ nhiều thông điệp tích cực. Chung cuộc, đồng giải nhất bảng tiếng Anh thuộc về hai bạn Trịnh Quang Đồng Thảo (JCI Nam Sài Gòn) và Nguyễn Đỗ Tuấn Hùng (JCI Trung tâm Sài Gòn). Trong khi nữ sinh viên Phạm Như Ngọc (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) xuất sắc giành giải nhất bảng tiếng Việt.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ngay-hoi-cong-dan-toan-cau-xay-dung-thuong-hieu-lanh-dao-tre-20241125102820925.htm