Vào mỗi dịp hè về, các thư viện là một trong những địa chỉ yêu thích của không ít trẻ nhỏ đến đọc sách, nâng cao tri thức, được cha mẹ tin cậy gửi gắm. Dịp hè 2023, hệ thống các thư viện trong tỉnh đã tích cực đổi mới hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đọc sách, tạo sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Phòng đọc Thiếu nhi (Thư viện tỉnh) thu hút đông lứa tuổi mầm non tham gia các hoạt động trải nghiệm trong dịp hè. |
Đến Thư viện tỉnh vào những ngày đầu tháng 6, chúng tôi như được trở về với tuổi thơ. Phòng đọc Thiếu nhi được thiết kế với không gian mở, tận dụng ánh sáng thiên nhiên. Các giá sách được sắp xếp, bố trí dưới dạng kho mở, thuận tiện, khoa học, có chỉ dẫn cụ thể, giúp các em dễ dàng tìm được cuốn sách phù hợp nhu cầu. Các kệ sách và vật dụng được trang trí nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc sinh động tạo sức thu hút các em. Độc giả nhí say sưa đọc sách, truyện trong các tư thế thoải mái nhất như ngồi đọc trên ghế, nằm đọc trên thảm xốp hay vừa đứng đọc, vừa ôm chú gấu bông yêu thích rồi cười khúc khích như hòa trong thế giới của các câu chuyện. Em Lê Hoàng Phương Thu, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ: “Đến Thư viện tỉnh, em và các bạn có thêm nhiều niềm vui. Tại đây, em không chỉ được đọc những cuốn sách hay, bổ ích mà còn làm quen với nhiều bạn mới, cùng chia sẻ những câu chuyện về trường, lớp của mình. Các cô, chú ở Thư viện tỉnh rất nhiệt tình, thân thiện nên em cảm thấy rất thoải mái”. Còn em Phạm Vũ Phương Uyên, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nam Phong chia sẻ: “Em rất thích đến Thư viện tỉnh vào mỗi dịp hè. Ngoài đọc sách, truyện, em còn được tham gia vẽ tranh, kể truyện về sách, tham gia hoạt động nhóm, học hỏi một số kỹ năng bổ ích khác”.
Những năm qua, từ nhiều nguồn tài trợ, ủng hộ, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc đọc sách cho thiếu nhi ở Thư viện tỉnh khá đồng bộ. Cùng với việc đầu tư kinh phí trang bị thêm các đầu sách phù hợp từng lứa tuổi, Thư viện tỉnh đã trang bị thêm thảm, bàn, ghế, điều hòa, quạt mát, trang trí phòng đọc, bổ sung giá, kệ sách… Để thu hút các em, Thư viện tỉnh đã giảm thiểu các thủ tục hành chính, linh hoạt khi tiến hành cấp, đổi thẻ bảo đảm tiện lợi, nhanh chóng. Nếu như trước đây, các em phải làm đơn, xin xác nhận của nhà trường và gia đình thì giờ đây, các em có thể sử dụng phù hiệu (đối với học sinh THCS) hoặc khai báo thông tin tại bộ phận làm thẻ (đối với học sinh tiểu học) để cấp thẻ thư viện. Thư viện tỉnh cũng đã liên hệ với các trường trên địa bàn thành phố để cấp thẻ tập thể, giao thẻ tận nơi. Với thủ tục đơn giản, thời gian chờ đợi được rút ngắn tối đa, cùng sự hướng dẫn tận tình, cụ thể và thái độ ân cần của cán bộ thư viện, bạn đọc thiếu nhi không còn ngần ngại khi bước chân vào Thư viện tỉnh. Vào mỗi dịp hè, số lượng thẻ bạn đọc thiếu nhi tăng cao (chiếm gần 70% số lượng thẻ trong năm). Bình quân hàng năm, trong 3 tháng hè, Phòng đọc Thiếu nhi luôn kín chỗ với trung bình gần 300 lượt bạn đọc, khoảng 2.000 lượt tài liệu/ngày.
Đồng chí Ngô Thị Thơm, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Sách là phương tiện đặc biệt quan trọng, tác động tích cực tới sự hình thành, phát triển nhân cách trẻ em. Bởi vậy, việc xây dựng, nuôi dưỡng, định hình thói quen đọc sách ngay từ thuở ấu thơ là mối quan tâm, là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Tại Thư viện tỉnh, ngoài việc tạo không gian văn hóa đọc gần gũi, thân thiện cho thiếu nhi, cán bộ thư viện còn chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa thư viện với các nhà trường, gia đình và bạn đọc; giúp học sinh khám phá nhiều điều thú vị từ sách, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm học tập với bạn bè trong kỳ nghỉ hè”. Trẻ em là chủ thể đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin, tri thức nên việc thông tin cung cấp cho trẻ em phải đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu, dễ tiếp cận và phù hợp với khả năng hiểu biết, độ tuổi. Thấu hiểu quá trình phát triển của chủ thể đặc biệt này, những năm qua, Thư viện tỉnh luôn chú trọng nâng cao số lượng đầu sách và các thể loại sách, báo phục vụ thiếu nhi. Hiện, Phòng đọc Thiếu nhi được bố trí 200 chỗ ngồi với gần 18 nghìn bản sách đầy đủ các thể loại, từ sách bổ trợ, nâng cao, sách tham khảo đến các cuốn truyện tranh, truyện cổ tích, thần thoại, khoa học viễn tưởng, sách về danh nhân trong và ngoài nước của các nhà xuất bản uy tín: Trẻ, Kim Đồng, Phụ nữ… Những đầu sách mới nhất dành cho lứa tuổi thiếu nhi đã được cập nhật, sẵn sàng phục vụ các em trong mùa cao điểm. Mỗi năm, Phòng đọc Thiếu nhi của Thư viện tỉnh được bổ sung khoảng 1.000 bản sách.
Điểm mới trong công tác phục vụ bạn đọc ở Thư viện tỉnh là ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nhiều cơ sở dữ liệu giúp bạn đọc tra cứu tài liệu thuận tiện. Các máy tính được trang bị phần mềm thư viện điện tử (ILIB), các công việc chuyên môn như: Bổ sung, biên mục, in mã vạch, in phiếu mục lục, thống kê, quản lý bạn đọc… đã được tin học hóa. Để đảm bảo các bạn đọc nhỏ tuổi được phục vụ tốt nhất, Thư viện tỉnh quan tâm tăng cường cán bộ vào mùa cao điểm. Bên cạnh việc hướng dẫn các em sử dụng thư viện, tìm kiếm tài liệu, sử dụng máy tính và các phần mềm thông dụng, tra cứu thông tin, các cán bộ Phòng đọc Thiếu nhi còn khảo sát, phân tích nhu cầu, tiếp nhận và tổng hợp các ý kiến đóng góp đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc như: bổ sung lượng sách, đầu sách phù hợp, kịp thời; đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu sách; định hướng cách đọc hiệu quả cho các em (cân bằng giữa nhu cầu giải trí – học tập – tích lũy kiến thức) vì trẻ em thường thích đọc truyện tranh, ít đọc truyện chữ và sách tham khảo. Ngoài các hoạt động phục vụ tại chỗ truyền thống như: đọc sách tại chỗ, hỗ trợ mượn sách về nhà, tra cứu cơ sở dữ liệu điện tử, truy cập internet, Thư viện tỉnh còn tổ chức nhiều sinh hoạt chuyên đề, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ bạn đọc theo chủ đề, câu lạc bộ Đọc sách cùng em, các buổi tuyên truyền, giới thiệu sách; hướng dẫn bạn đọc nhỏ tuổi tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, vẽ tranh theo sách, viết cảm nhận về những cuốn sách hay, mẩu truyện bổ ích phù hợp.
Đặc biệt, để trẻ em các vùng miền trong tỉnh có thêm cơ hội được đọc sách, sau khi tiếp nhận ô tô “thư viện lưu động” từ Dự án “Xe thư viện đa phương tiện lưu động” của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Thư viện tỉnh đã bố trí phục vụ học sinh lưu động trong một ngày các hoạt động như: đọc sách tự chọn, hướng dẫn sử dụng thư viện lưu động, giới thiệu những cuốn sách bổ ích, hướng dẫn truy cập internet, cấp thẻ bạn đọc… Trên 3.000 bản sách các thể loại được chọn đưa đi phục vụ lưu động đã thu hút sự quan tâm, đón nhận của đông đảo thiếu nhi ở các địa phương. Các em được trải nghiệm một ngày vui chơi và học tập bổ ích, đọc sách theo cách mới mẻ. Bằng những chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện, Thư viện tỉnh đã đưa sách đến gần hơn với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, đặc biệt là thiếu nhi các vùng nông thôn, khi điều kiện được tiếp cận sách, báo của các em chưa nhiều. Việc đưa các em đến gần hơn với sách, với các sản phẩm dịch vụ thư viện là việc làm thiết thực giúp khơi dậy nhu cầu, đam mê đọc sách, rèn cho các em kỹ năng tìm kiếm, sử dụng thông tin, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ bạn đọc tương lai.
Cùng với Thư viện tỉnh, các thư viện huyện, thành phố, tủ sách cơ sở cũng thường xuyên mở cửa phục vụ nhu cầu đọc sách của học sinh trong dịp hè. Qua các năm tổ chức Ngày Sách và văn hóa đọc, cộng đồng đã quan tâm xây dựng, phát triển các mô hình thư viện này, tiếp tục kiện toàn, củng cố và hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách dành cho thiếu nhi. Cùng với đó, xây dựng vốn tài liệu dành cho thiếu nhi, tăng tỷ lệ sách thiếu nhi trong tổng vốn tài liệu của thư viện; sáng tạo, linh hoạt trong việc tạo không gian, môi trường văn hóa đọc thân thiện, sân chơi bổ ích, lý thú cho thiếu nhi đọc, học trong thời gian nghỉ hè…
Chuyện quản lý con em trong kỳ nghỉ hè là mối quan tâm của nhiều phụ huynh, trong đó đưa con đến thư viện là một gợi ý rất thiết thực. Cùng với các hoạt động “xả hơi” bằng chuyến du lịch, đi bơi, tham gia các lớp/nhóm năng khiếu, những buổi đến thư viện đọc sách giúp học sinh có một kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú, chơi mà học. Qua đây thực hiện tốt sứ mệnh “gieo mầm yêu sách”; đồng hành cùng gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong sự nghiệp “trồng người”./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng