Hỏi:
Tôi nghe nói ai hay ngáy ngủ, thèm ngủ ngày dễ mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ, không tốt cho sức khỏe, có đúng không thưa bác sĩ?
Hoài Thu (Hà Nội)
TS. BS. Phan Thanh Thủy, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai trả lời:
Hội chứng ngừng thở khi ngủ được phân loại thành 3 nhóm: Ngừng thở tắc nghẽn, ngừng thở trung ương và ngừng thở hỗn hợp.
Trong đó, hội chứng ngừng thở tắc nghẽn chiếm tỷ lệ chủ yếu, thường gặp ở nam giới, hút thuốc lá, thể trạng thừa cân, béo phì với chỉ số khối cơ thể BMI >23 kg/m2, cổ ngắn, hàm nhỏ; hoặc tiền sử gia đình có người ngủ ngáy, ngừng thở khi ngủ.
Các dấu hiệu gợi ý để nhận biết có mắc ngừng thở bao gồm: Ngáy ngủ, bệnh nhân phàn nàn về buồn ngủ ban ngày, ngủ không hồi sức, mệt mỏi vào buổi sáng hoặc thậm chí mất ngủ.
Bệnh nhân thức dậy trong đêm bởi các cơn ngừng thở, thở hổn hển hoặc cảm giác ngạt thở.
Người ngủ cùng hoặc những người khác có thể ghi nhận bệnh nhân khi ngủ có ngáy thường xuyên, ngưng thở hoặc cả hai.
Bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp, rối loạn tâm trạng, rối loạn nhận thức, bệnh mạch vành, tai biến mạch não, suy tim sung huyết, rung nhĩ hoặc đái tháo đường type 2 là các đối tượng cần tầm soát hội chứng ngừng thở khi ngủ nếu có ít nhất một trong 3 triệu chứng: Ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày quá mức hoặc cơn ngừng thở được chứng kiến.
Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa và được đo đa ký hô hấp hoặc đa ký giấc ngủ để chẩn đoán.
Theo thống kê của Hội Y học giấc ngủ Hoa Kỳ AASM, có đến 80% bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ chưa được chẩn đoán.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ngay-dem-them-ngu-ngay-co-nguy-hiem-192241114222944582.htm