Theo Space.com, ngày đầu năm mới của thế giới 1/1 là quy ước do con người tạo ra và không phải là sự kiện được xác định bởi thiên nhiên.
Theo các nhà nghiên cứu, ngày đầu năm mới 1/1 là quy ước của con người, không phải là sự kiện được xác định bởi thiên nhiên. Ngày 1/1 bắt đầu năm mới theo lịch Gregory, là lịch được sử dụng phổ biến ngày nay.
Lần đầu tiên ngày 1/1 được coi là ngày đầu năm mới là vào năm 45 trước Công nguyên. Trước đó, lịch La Mã bắt đầu vào tháng 3 và kéo dài 355 ngày. Sau khi lên nắm quyền, Hoàng đế La Mã Julius Caesar đã ban quyết định thay đổi cách tích lịch.
Hoàng đế La Mã muốn tôn vinh thánh Janus của tháng 1 – vị thần đại diện cho sự khởi đầu của người La Mã, có hai khuôn mặt, cho phép ông nhìn về tương lai cũng như quá khứ – nên đã chọn ngày 1/1 làm ngày đầu năm mới.
“Tương tự như vậy, vào ngày 1/1 chúng ta nhìn lại năm vừa kết thúc và hướng tới năm mới sắp tới. Vào ngày 1/1, khi năm mới bắt đầu, người ta thường trao cho nhau và nhận về những lời chúc tốt đẹp vui vẻ” , Space nói thêm.
Tuy nhiên, ngày này không được hưởng ứng rộng rãi ở châu Âu cho đến tận giữa thế kỷ 16. Sau khi Kitô giáo du nhập, ngày 25/12 – ngày sinh của Chúa Jesus – được đón nhận và ngày 1/1 – ngày đầu năm mới bị coi là ngoại đạo. Mãi cho đến khi Giáo hoàng Gregory thay đổi lịch Julian để biến ngày 1/1 thành ngày chính thức bắt đầu một năm thì nó mới được chấp nhận.
Hiện nay, mặc dù hầu hết thế giới đều mừng ngày đầu năm mới vào ngày 1/1 theo lịch Gregory nhưng một số nền văn hóa và tôn giáo lại có những ngày năm mới khác nhau. Ví dụ, người Do Thái sử dụng lịch âm và ăn mừng năm mới vào mùa thu vào ngày Rosh Hashanah, ngày đầu tiên của tháng Tishri, là tháng thứ bảy trong năm của người Do Thái.
Ngày này thường diễn ra vào tháng 9, như năm 2025 này. Tương tự như ngày đầu năm mới của các nền văn hóa khác, kỳ nghỉ kéo dài hai ngày này là thời gian để ăn mừng sự hoàn thành của một năm nữa đồng thời cũng để đánh giá lại cuộc sống của một người và hướng về phía trước.
Ngoài ra còn có Tết Nguyên đán nổi tiếng của các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam thường diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2 trong năm. Đây là dịp để mọi người quây quần cùng nhau, sum vầy sau một năm để đón chào thời khắc giao thừa.
Bên cạnh đó ngày 1/1 không phải lúc nào cũng là ngày đầu năm mới. Trong quá khứ, một số lễ mừng năm mới diễn ra vào ngày xuân phân, một ngày khi mặt trời ở trên đường xích đạo của trái đất và ngày và đêm bằng nhau.
Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng con người đã bắt đầu tổ chức đón Năm mới từ khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, hay hơn 4.000 năm trước ở Babylon cổ đại. Vào ngày trăng non đầu tiên sau ngày xuân phân, thường là vào cuối tháng 3, người Babylon ăn mừng Năm mới bằng lễ kỷ niệm kéo dài 11 ngày gọi là Akitu, với mỗi ngày một buổi lễ riêng biệt.
Ngoài ra, ngày thu phân cũng có những người ủng hộ là ngày đầu năm mới.
Ở nhiều quốc gia, đêm giao thừa rơi vào 31/12 và lễ kỷ niệm tiếp tục kéo dài đến rạng sáng 1/1. Trên khắp thế giới, mọi người ăn mừng bằng những phong tục như hát múa và xem bắn pháo hoa.
Tại Anh, vào đêm cuối cùng của năm cũ, người dân tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccally Circus hay quanh những nơi có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben ở thủ đô London báo hiệu năm mới đã đến.
Tại vùng Scotland, truyền thống xông nhà ở Scotland quy định rằng vị khách đầu tiên đến nhà bạn sau nửa đêm phải mang theo một món quà là than hoặc bánh mì để mang lại may mắn cho cả năm.
Người dân Pháp sẽ dùng rượu đón năm mới, từ đêm giao thừa mọi người bắt đầu mở tiệc ăn uống đến 3/1 mới kết thúc.
Đêm giao thừa ở Bỉ, người dân cũng tổ chức tiệc ăn mừng và khi giao thừa, ôm hôn và gửi đến nhau những lời chúc may mắn.
Ngày 1/1 hàng năm là một ngày rất quan trọng đối với người dân Hy Lạp. Đây là ngày Thánh Basil và cũng là ngày đầu năm mới.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ngay-dau-nam-moi-khong-phai-bao-gio-cung-la-1-1-172250101085544835.htm