Những ngày hè nắng nóng, lại thêm nỗi lo lắng không biết lúc nào sẽ bị cắt điện, chúng tôi quyết định dành 2 ngày cuối tuần hòa vào thiên nhiên mơ mộng yên bình. Điểm đến của chúng tôi là xã Xuân Thái (Như Thanh), địa chỉ lý tưởng cho các bạn trẻ thích du lịch khám phá trong thời gian gần đây, nằm cách TP Thanh Hóa hơn 60 km.
Cây thị hơn 300 tuổi được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Từ trung tâm xã Xuân Thái, chúng tôi tiếp tục đi thêm 3 km để đến làng Lúng. Được hình thành cách đây khoảng gần 100 năm, làng Lúng có gần 500 nhân khẩu gồm 3 dân tộc anh em Thái, Mường, Kinh chung sống. Làng có diện tích tự nhiên trên 100 ha, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. “Kể từ sau khi xây dựng làng văn hóa vào năm 2018 đến nay, bà con làng Lúng luôn thực hiện tốt quy ước gồm 4 chương và 22 điều, trong đó đặc biệt giữ gìn nét văn hóa làng”, anh Vi Văn Thêm, một chủ hộ kinh doanh du lịch ở đây cho biết.
Ngồi trong nhà sàn, xung quanh chúng tôi là không gian bao la với long lanh sóng nước và những bãi cỏ rộng bằng phẳng. Vừa làm hướng dẫn viên, anh Thêm vừa thoăn thoắt đôi tay sắp đặt cho chúng tôi chỗ nghỉ ngơi đồng thời dặn dò lũ nhỏ: “Các cháu thích thì cứ vào lều bạt chơi nhé, chỉ cần nhớ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ là được”.
Là 1 trong 5 hộ đầu tiên làm du lịch ở xã, anh Vi Văn Thêm cho biết: “Ban đầu làm cái gì cũng khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm. Một phần vì chúng tôi nhìn thấy được lợi thế để làm du lịch của xã, phần vì bạn trẻ ngày càng thích sự trải nghiệm, nhưng quan trọng hơn hết là không làm thì chúng tôi sẽ nghèo bền vững. Chưa biết lời lãi thế nào, nhưng mỗi khi một gia đình nào đó có khách đến là thôn, làng lại nhộn nhịp”.
– Tối nay các anh, chị muốn ăn món gì để em chuẩn bị? Trong khi chúng tôi đang ngập ngừng thì Thêm nói ngay: Ở đây có gà nướng, thịt trâu nướng, thịt lợn nướng, ốc, cua, cá sông, măng, cơm lam kèm rượu cần, rượu men lá… là những món đặc trưng. Anh chị thử thưởng thức để góp ý cho chúng em về cách chế biến nhé. Sau bữa ăn, tối cuối tuần chúng em luôn có đội văn nghệ với những tiết mục hát múa đặc sắc và đêm lửa trại phục vụ miễn phí ạ.
Trong khi chúng tôi ngồi thư giãn, uống trà bên nhau nhìn các nhóm du khách khác chơi đùa trên thảm cỏ, thì bọn nhỏ đứa thì chơi ném còn, đứa lại hò nhau chơi bóng chuyền.
Khi màn đêm vừa buông xuống Thêm mang củi ra xếp để chuẩn bị cho đêm lửa trại. Nhạc nổi lên, bọn trẻ con hò reo khiêng ghế cùng chủ nhà. Không khí trong lành, thơ mộng, người dân hiền hòa mến khách khiến ai đến đây cũng phải xao động, mở lòng trước vẻ đẹp yên bình của thiên nhiên và con người nơi đây. Bên lửa trại, âm thanh rộn rã của tiếng hát kết hợp với những vũ điệu sạp Mường, xòe Thái, du khách ai nấy đều đắm say trong hơi men rượu cần. Vừa đùa vui vừa nhảy sạp, một vài người thỉnh thoảng lỡ nhịp, sạp va vào chân ngượng cười xuýt xoa đau. Bọn trẻ thì nhảy xung quanh bếp lửa, háo hức chờ những củ khoai nướng. Thảng hoặc lại léo nhéo hỏi: Chín chưa mẹ ơi? Sao lâu thế mẹ ơi…?
Đêm lửa trại kết thúc sau màn “Nối vòng tay lớn” quanh đống lửa. Bọn con gái tự sắp xếp chia nhau ngủ trong lều, còn bọn con trai ì oạp tắm thêm lần nữa rồi trèo lên nhà sàn đánh một giấc đến sáng.
Nhiều đoàn khách tới đây rất thích thú trước vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, khung cảnh thiên nhiên yên bình, thơ mộng.
Sáng ngày chủ nhật, trước khi rời Câu lạc bộ Bản Thái ở Làng Lúng, chúng tôi chụp chung một kiểu ảnh tập thể để tiếp tục lên đường khám phá Xuân Thái. Hành trình của chúng tôi là tới hang Lèn Pót ở thôn Thanh Xuân. Hang còn có tên gọi khác là Trư Thạch Sơn – vì nằm ở lưng chừng ngọn núi có hình con lợn rừng, bao quanh là những cánh rừng cao su bạt ngàn. Cách trung tâm xã khá xa, khoảng 15 km, nên dù được phát hiện từ lâu song phải từ sau đại dịch COVID-19 mọi người mới tìm đến đây. Anh Quách Văn Thiệp, người được giao trông coi hang động này cho biết: “Hang Trư Thạch Sơn có chiều dài gần 300m. Chúng tôi tự đánh giá đây là hang động đẹp nhất đã được phát hiện tại Như Thanh bởi rất nhiều khối thạch nhũ đẹp, tương đối nguyên vẹn với nhiều hình thù khác nhau”.
Càng vào sâu, lòng hang càng rộng và đẹp, thạch nhũ buông từng chùm, với nhiều hình thù kỳ dị, gợi mở trí tưởng tượng của người xem về một thế giới đầy bí ẩn của tạo hóa. Bởi vậy, hang động này gắn với nhiều giai thoại hấp dẫn, mang sắc màu liêu trai, huyền ảo.
Chúng tôi dừng chân ở thôn Yên Vinh, ngắm nhìn cây thị hơn 300 tuổi đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Cây thị có chiều cao 21,5m, đường kính thân 1,86m, chu vi gốc cây ở vị trí sát mặt đất là 7,06m. Dù có tuổi đời hàng trăm năm nhưng cây thị này vẫn sinh trưởng tốt, tán cân đối, hàng năm cây vẫn ra hoa, kết trái và sai quả. Không chỉ là di sản của quốc gia, cây thị còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen, sinh thái môi trường, cũng như gắn liền với những giá trị về văn hóa, lịch sử, giá trị về tinh thần, tâm linh của đồng bào dân tộc Thái xã Xuân Thái.
Chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch phát triển du lịch xã Xuân Thái, ông Nguyễn Khắc Đại, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Hiện xã đã tổ chức khai thác hiệu quả du lịch cộng đồng tại thôn Cây Nghia, thôn Làng Lúng, thôn Đồng Lườn và du lịch khám phá hang Lèn Pót thôn Thanh Xuân. Dù còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho các hộ dân phải có tâm thế sẵn sàng đón khách. Mục tiêu năm 2023 xã sẽ đón 8.300 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 50 lượt, đạt tổng thu từ du lịch là 8,3 tỷ đồng”.
Rời Xuân Thái, mỗi người chúng tôi mang theo một cảm xúc khác nhau. Người thì mong sớm được nhìn thấy sự đổi thay ở nơi này, người lại hy vọng rằng cảnh quan sẽ vẫn được giữ nguyên, đặc biệt là sẽ không có công trình nào được xây dựng trên những bãi cỏ rộng, bằng phẳng, một bên là đồi núi, một bên là hồ Sông Mực trong xanh và nên thơ.
Kiều Huyền