Sáng 31/5, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức họp báo quốc tế thông tin về Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình. (Ảnh: Anh Sơn) |
Đây là lễ hội mang thông điệp Hoà bình lần đầu tiên được tổ chức ở Quảng Trị và Việt Nam nhằm tôn vinh giá trị của hoà bình, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hoá vì Hoà bình, là điểm đến vì hoà bình, nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hoà bình.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong bối cảnh thế giới hiện nay đang còn có những điểm xung đột, Lễ hội Vì Hoà bình được tổ chức trên vùng đất Quảng Trị từng nhiều đau thương, mất mát, huỷ diệt bởi chiến tranh, nơi “đất thiêng nở đóa hoa hoà bình” sẽ truyền đi thông điệp về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hoà bình, kêu gọi nhân loại chung tay xây dựng nền hoà bình bền vững trên thế giới.
Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương (20/7/1954-20/7/2024), 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); là sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế trong giai đoạn 2024 -2025 theo Quyết định số 3032/QĐ-BVHTTDL ngày 16/10/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lễ hội sẽ được khai mạc vào tối 06/7/2024, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải với chuỗi các hoạt động ý nghĩa, các chương trình nghệ thuật đặc sắc với mong muốn dấu ấn của lễ hội sẽ tạo ra các điểm nhấn cảm xúc “mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị”- mảnh đất đã trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình, sự hàn gắn và hồi sinh.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 sẽ là một minh chứng sống động cho khát vọng ấy, khi Quảng Trị đón nhận bạn bè quốc tế, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, đoàn kết và phát triển, biến quá khứ đau thương thành động lực mạnh mẽ cho những bước tiến mới.
Có thể khẳng định, đây là sự khác biệt mà Quảng Trị mang đến cho du khách trong nước và quốc tế khi đến với mảnh đất anh hùng này.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Anh Sơn) |
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh 5 ý nghĩa mà Lễ hội mang lại: Tôn vinh giá trị quốc tế, chung tay kiến tạo vì hòa bình; Truyền đi thông điệp Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mong muốn kiến tạo và gìn giữ hòa bình; Quảng bá những sắc màu văn hóa sống động của mảnh đất Quảng Trị; Tiếp thu văn minh văn hóa nhân loại, thúc đẩy hợp tác văn hóa… qua đó quảng bá văn hóa Quảng Trị; Tạo không gian quan trọng về văn hóa, trở thành địa chỉ thu hút du khách trong nước và quốc tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Trong triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa, Bộ Ngoại giao và Ủy ban UNESCO Việt Nam xác định lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là đối tượng phục vụ. Vì vậy, Bộ Ngoại giao và Ủy ban UNESCO Việt Nam luôn đồng hành cùng Quảng Trị và các địa phương để đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới và đưa văn hóa thế giới đến với Việt Nam.
Lễ hội Vì hòa bình được tổ chức vào tháng 7 là mùa tri ân và tôn vinh giá trị hòa bình trên “vùng đất lửa” Quảng Trị. Vào tháng 7 hằng năm, dòng người từ mọi miền Tổ quốc lại về với Quảng Trị, vùng đất gánh chịu nhiều đau thương, mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc và hủy diệt của chiến tranh để tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất non sông.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có hai Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Trường Sơn – nơi an nghỉ của gần 60.000 Anh hùng liệt sỹ trên khắp cả nước.
Với gần 500 di tích lịch sử cách mạng, Quảng Trị được xem như bảo tàng sinh động về di tích chiến tranh cách mạng của Việt Nam; trong đó có các hệ thống di tích gắn liền với cuộc chiến tranh vệ Tổ quốc như: Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 Ngày đêm năm 1972…
Các đại biểu tham dự buổi họp báo. (Ảnh: Anh Sơn) |
Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 sẽ bao gồm những hoạt động:
– Ngày hội Đạp xe vì Hoà bình từ ngày 29-30/6, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị; – Chương trình nghệ thuật đặc biệt Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình với chủ đề: “Kết nối những nhịp cầu”, diễn ra lúc 20 giờ 00, ngày 6/7 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải; – Lễ hội Văn hóa – Ẩm thực “Hương vị miền hoa nắng”, từ ngày 12-14/7 tại Khu du lịch biển Cửa Việt, huyện Gio Linh; – Giao lưu âm nhạc “Giai điệu hòa bình” với: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Khúc ca hòa bình” lúc 20h ngày 13/7 tại Công viên Fidel, thành phố Đông Hà; Chương trình giao lưu âm nhạc Quốc tế “Giai điệu hòa bình” 20h ngày 20/7 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, thành phố Đông Hà. – Chương trình “Ước nguyện hòa bình”, lúc 18 giờ 00 ngày 26/7 tại Thị xã Quảng Trị với: Lễ viếng (Thành Cổ Quảng Trị), Đại Lễ Cầu siêu (Quảng trường Giải phóng), Lễ Hoa đăng (Bờ Nam sông Thạch Hãn)… Đây sẽ là lễ hội mở, chỉ có ngày khai mạc, không có ngày bế mạc, để du khách có thể hưởng ứng, tham gia vào các hoạt động của lễ hội nói riêng, đi thăm các danh lam thắng cảnh, địa chỉ đỏ tại Quảng Trị nói chung… |
Các vị lãnh đạo chủ trì trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí. (Ảnh: Anh Sơn) |
Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Anh Sơn) |
Quảng Trị ra mắt bộ nhận diện Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024. (Ảnh: Anh Sơn) |
Nguồn: https://baoquocte.vn/ngay-67-quang-tri-lan-dau-tien-to-chuc-le-hoi-vi-hoa-binh-nam-2024-273262.html