* Trong bài viết “Liên khu Việt Bắc phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ” (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, có viết:
Trước yêu cầu khẩn trương của nhiệm vụ chi viện cho chiến trường, Liên khu ủy Việt Bắc đã ra Chỉ thị “Tích cực bảo vệ đường giao thông quốc phòng”, động viên quân và dân phát huy vai trò là hậu phương phối hợp với mặt trận chính Điện Biên Phủ, ra sức bảo đảm giao thông, hoàn thành vượt mức mọi kế hoạch vận chuyển chi viện cho mặt trận.
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Bộ Chỉ huy Liên khu Việt Bắc giao nhiệm vụ bảo quản, sửa chữa những con đường nội tỉnh cho từng địa phương phụ trách bảo vệ: Đường số 1 và 1B giao cho tỉnh Lạng Sơn, Đường số 3 giao cho tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn; Đường số 4 giao cho tỉnh Cao Bằng; đồng thời, thành lập ra Ban Đường sá từ cấp Liên khu đến các xã ven đường chiến lược nối từ Việt Bắc đến Điện Biên Phủ, với đại diện các ngành quân – dân – chính – Đảng.
Để bảo đảm giao thông thông suốt, quân và dân hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn đã san lấp được hàng vạn mét khối đất, đá trên tuyến vận tải từ Quán Vuông – Định Hóa ra mặt trận. Quân và dân Bắc Giang phối hợp cùng công binh của Bộ và thanh niên xung phong mở mới đường đoạn từ Đường số 13 với Đường số 41 được 87km, hình thành tuyến giao thông chủ yếu từ Việt Bắc lên Tây Bắc.
Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Liên khu trực tiếp chỉ đạo mở những tuyến đường trọng điểm, quan trọng từ Nước Hai – Án Lại – Mã Phục – Quảng Hòa, đường từ Thủy Khẩu đi Bò Ca dài 113km, Bò Ca đi Chợ Mới 21km, Chợ Mới đến Bờ Đậu đi Tuyên Quang dài 174km, Đường số 16 từ Mẹt đến Thái Nguyên dài 83km, Đường số 1B từ Đồng Đăng đến Thái Nguyên dài 145km…
Nhân dân các địa phương hai bên đường có sáng kiến thành lập ra các tổ bảo vệ đường, với nhiệm vụ thường xuyên bám mặt đường sửa chữa khắc phục hư hỏng cầu đường. Trên trục Đường số 3 từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, các địa phương thành lập được 331 tổ với trên 3.000 tổ viên. Bên cạnh đó, các tổ nhân dân bảo vệ đường còn cùng bộ đội theo dõi phát hiện và diệt trừ bọn chỉ điểm, biệt kích…
Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, quân và dân Liên khu Việt Bắc đã huy động được 2.368.876 ngày công lao động làm mới được trên 1.600km đường, bắc 214 cầu với chiều dài 2.482m. Toàn Liên khu có tới 36.519 lượt người đi dân công hỏa tuyến; đặc biệt có nhiều gia đình cả ba thế hệ cùng ra trận.
Đồng bào các dân tộc Việt Bắc tự quyên góp tiền mua trên 6.000 xe đạp thồ, hình thành “Đội quân tay ngai” tham gia vận chuyển hàng hóa phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ. Cùng với đó, nhân dân huy động ủng hộ mặt trận được 4.680 tấn gạo, 454 tấn thịt, 113 tấn đậu, 800 tấn rau quả. Đoàn dân công bao gồm già, trẻ, gái, trai từ các rẻo cao ngày đêm nô nức ra các điểm tập kết trên tuyến Đường số 1, Đường số 3 tiếp nhận hàng viện trợ của các nước anh em, vận chuyển lên chiến trường Điện Biên Phủ.
Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
* Trong cuốn Lời thú nhận muộn mằn, Nxb Hà Nội, 2004, tr. 78, Marcel Bigeard (sau là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp) có viết: “Những con người do tướng Giáp đào luyện thật là những chiến binh tuyệt vời! Những cuộc phản kích của quân Việt chặn đứng pháo binh của chúng tôi, các khẩu súng cối của chúng tôi không thể nhả đạn”.
Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật đang tiến sát vào các vị trí của địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Các loại vũ khí hiện đại và phương tiện chiến tranh có nhiều thứ mang nhãn hiệu Mỹ của giặc Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân ta phá hủy và thu được. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Nội dung: Thiếu tá, ThS TRẦN QUỐC DŨNG, Viện Lịch sử quân sự.
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN
Trình bày: VŨ HẢI
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/03-05-1954-phap-day-manh-tang-vien/index.html?_gl=1*11s7k2c*_ga*MTk3MTc4ODk3My4xNzAzMzM4NjUx*_ga_2KXX3JWTKT*MTcxNDY5MDk2MC42OC4xLjE3MTQ2OTExNjguNjAuMC4w