‘Phải biết chăm sóc gia đình, phải biết nuôi dạy con, phải xinh đẹp, phải biết làm kinh tế, phải có sự nghiệp giỏi…’, giữa muôn vàn mong muốn từ gia đình, xã hội như thế khiến nhiều chị em cảm thấy ‘bị mắc kẹt’. Con đường nào cho chị em chọn lựa?
Quyết định kết hôn năm 23 tuổi, Linh Chi (hiện 40 tuổi, ở TP.HCM) từng mất phương hướng sau khi sinh con đầu lòng vì thấy bạn bè ai cũng “thành ông này bà kia” trong khi bản thân… thất nghiệp. Con của Chi khuyết tật bẩm sinh nên cô không thể quay lại công việc sau khi nghỉ thai sản. “Có lúc mệt quá ngủ quên, tôi bỏ lỡ một ca tập vật lý trị liệu cho con và thấy tội lỗi vô cùng. Nỗi lo sợ con sẽ không khỏe lại đè nặng lên tâm trí tôi mỗi đêm”, người phụ nữ nhớ lại.
Sau gần 3 năm ở nhà chăm con với vô vàn áp lực, Chi thấy bản thân tụt hậu so với bạn bè và xã hội. Chi muốn đi làm nhưng do ở nhà quá lâu nên tự ti, sợ mình không bắt nhịp được. Nhưng nếu chấp nhận làm nội trợ thì người mẹ lại thấy quá tiếc cho tuổi trẻ của mình. Chưa kể, Chi không muốn mang tiếng “ăn bám chồng”.
“Tôi nhớ bản thân từng có rất nhiều hoài bão. Tại sao cùng trở thành cha mẹ nhưng tôi phải nghỉ việc để toàn tâm chăm con, còn chồng tôi thì vẫn có thể tập trung vào sự nghiệp?”, Chi tâm sự rồi quyết định “rải CV”.
Đừng mặc định bất cứ điều gì… cho ai
Phụ nữ Việt Nam thời hiện đại ít nhiều còn đang phải thừa hưởng “một di sản” từ xã hội phong kiến, đó là sự bất bình đẳng giới. Từ xa xưa, trong một xã hội kinh tế nông nghiệp như ở Việt Nam, phụ nữ được mặc định là người lo chuyện bếp núc, chăm con và là người “kiếm tiền phụ” trong gia đình… Những vai trò này của phụ nữ không tiêu cực, nhưng được coi là ưu tiên hàng đầu. Vì thế, phụ nữ bị giới hạn sự phát triển trong phạm vi gia đình. Việc phát triển bản thân, sự nghiệp hay trở thành người có vị trí xã hội được coi là thứ yếu.
Nghiên cứu giới và thị trường lao động Việt Nam năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết trung bình mỗi tuần, phụ nữ làm việc 59 giờ, nam giới là 50 giờ. Trong đó, thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp đôi nam giới.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là duy nhất, báo cáo Khoảng cách Giới tính Toàn cầu 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết tiến độ đạt được bình đẳng giới toàn cầu đang chậm lại. Ước tính, phụ nữ sẽ không thể đạt được sự bình đẳng với nam giới trong 131 năm nữa.
Cũng theo WEF, chỉ số khoảng cách giới năm 2023 của Việt Nam xếp thứ 72 trong số 146 quốc gia tham gia xếp hạng, tăng 11 bậc so với năm 2022. Từ bức tranh chung về khoảng cách bình đẳng giới toàn cầu và sự tăng hạng của Việt Nam trong chỉ số khoảng cách giới năm 2023, người viết có quan điểm:
Thứ nhất, thực tế hiện nay cho thấy, phụ nữ Việt Nam đã khác xưa. Họ được đi học, đi làm kiếm tiền và có vị trí trong xã hội không thua kém đàn ông. Tuy nhiên, chính vì những mặc định đã nêu trên vô tình khiến phụ nữ dường như “gánh” thêm nhiều áp lực từ gia đình, xã hội. Không phải ai cũng có thể vượt qua áp lực để tự do lựa chọn đi theo con đường mình mong muốn.
Thứ hai, trong khuôn khổ nội dung bài viết này, người viết nhấn mạnh quan điểm thu hẹp khoảng cách về giới không phải là phụ nữ phải cố gắng chứng minh “đàn ông làm được thì chúng tôi cũng làm được”. Hoặc, cào bằng những thành tựu đàn ông và phụ nữ đạt được để đem ra so sánh. Thực chất, về mặt sinh lý con người, chỉ riêng việc phụ nữ có kinh nguyệt mỗi tháng đã là điều khác biệt với nam giới. Từ đó, có những bất tiện nhất định mà không thể đem ra so sánh với nam giới được.
Người viết cho rằng, trước thời điểm xã hội đạt được sự bình đẳng giữa nam và nữ trong tương lai, ngay lúc này, chúng ta cần hiểu rõ thực trạng bất bình đẳng giới ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới như thế nào. Bắt đầu từ việc nhỏ nhất, có lẽ cả người nam và người nữ trong xã hội nên loại bỏ các định kiến cho rằng việc này chỉ dành cho phụ nữ, việc kia chỉ dành cho nam giới.
Anh Văn Quốc (42 tuổi) chồng của Linh Chi cho rằng không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng có những áp lực riêng. Đó là áp lực về sự thành công, phải làm trụ cột kinh tế gia đình, chăm sóc gia đình nội ngoại…
“Tôi không thể thấu hiểu nỗi khổ tâm của vợ khi sinh ra một đứa con khuyết tật nhưng tôi nhiều lần bật khóc trong đêm khi trót đầu tư thất bại, để mất một khoản tiền lớn rồi sau đó thất nghiệp trong 2 tháng. Áp lực lắm, khi tiền trọ, tiền sữa, tiền ăn uống sinh hoạt hằng ngày cứ thúc vào lưng”, anh Quốc nói.
Con đường nào cho phụ nữ?
Hiện tại, khi con trai đã vào lớn và có hợp đồng lao động chính thức tại một công ty tư nhân, Chi cho biết đôi khi vẫn loay hoay làm sao cân bằng giữa việc phát triển bản thân để thăng tiến và nỗi sợ khi khó làm tốt việc chăm sóc gia đình với những bữa ăn ngon, đúng giờ.
Chưa kể, ở tuổi 40, Chi luôn phải nghe nhiều lời khuyên từ người thân rằng phải sinh thêm con, trong khi “sang chấn tâm lý” từ đứa con đầu lòng khuyết tật vẫn đeo bám.
Sau khi đi làm, đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 hay ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, Linh Chi lại được công ty tổ chức tiệc chúc mừng. “Thông điệp cuối cùng mà các đồng nghiệp nam gửi đến chúng tôi là lời chúc xinh đẹp, chúc chị em giỏi việc nước đảm việc nhà”, Chi kể lại và cho biết, lời chúc đó cũng khiến cô ngột ngạt. “Một áp lực làm sao để cố gắng vẹn toàn mọi việc, cả trong gia đình và sự nghiệp”, Chi bày tỏ.
Chị Trần Thị Ngọc Thảo – nhà sáng lập cộng đồng nhân sự HR Talks với hơn 70.000 thành viên trên mạng xã hội Facebook cho biết, hồi cuối năm ngoái, các thành viên nhóm nhận thấy có thực trạng các công ty cắt giảm nhân viên, đối tượng nhiều nhất là phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ.
“Thay vì tái ký hợp đồng cho những đối tượng trên thì công ty chọn cách cắt giảm. Các mẹ bầu, mẹ đang nuôi con nhỏ chịu ‘áp lực kép’ trong việc nuôi dạy con và áp lực kinh tế khi thất nghiệp”, chị nói.
Đây cũng là một minh chứng cho sự thiệt thòi của phụ nữ so với đàn ông khi “sứ mệnh làm mẹ thiêng liêng” và “con đường thăng tiến” đôi khi không thể song hành.
Nghiên cứu giới và thị trường lao động Việt Nam năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết trung bình mỗi tuần, phụ nữ làm việc 59 giờ, nam giới là 50 giờ. Trong đó, thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp đôi nam giới.
Vậy, con đường nào cho chị em phụ nữ? TS – LS Nguyễn Thị Thúy Hường – Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho biết, tâm lý chung của nhiều người, không riêng chị em phụ nữ thường đổ lỗi cho hoàn cảnh. Đơn cử một ví dụ, có người than thở rằng chính vì bản thân hi sinh cho gia đình nên không có thời gian để phát triển sự nghiệp, theo đuổi ước mơ. Về điều này, TS – LS Thúy Hường đây là một sự đổ lỗi.
Nếu thật sự người phụ nữ muốn chăm sóc gia đình, tự nguyện hi sinh thì họ nên vui và tự hào vì điều đó. Còn ngược lại, nếu phụ nữ vừa muốn lo lắng chu toàn trong gia đình vừa muốn phát triển sự nghiệp thì không còn cách nào khác là dành thời gian cho việc theo đuổi mục tiêu.
“Đừng so sánh bản thân với người khác. Mình phải là người lựa chọn, đưa ra quyết định và không hối hận. Đó là tinh thần trách nhiệm với chính bản thân và cuộc đời”, TS – LS Thúy Hường nhắn nhủ.
Trước khi đòi hỏi xã hội có cái nhìn bình đẳng, trước tiên phụ nữ phải tự mình “thoát khỏi điểm kẹt”. Linh Chi biết rằng bản thân vẫn còn nhiệt huyết với nghề nghiệp và mong muốn cống hiến nên đã nộp đơn xin việc sau khi con đi mẫu giáo. Anh Văn Quốc ủng hộ vợ đi làm nên chủ động nhận trách nhiệm đưa đón con đi học và phụ giúp công việc nhà.
TS Tâm lý Đào Lê Hòa An – Giám đốc Chiến lược Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp JobWay chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là người phụ nữ phải nhận ra được đặc điểm, điểm mạnh của bản thân từ đó mới tìm cho mình cơ hội. Điều thứ hai là nhấn mạnh thêm việc xác định mục tiêu. Bản thân người phụ nữ muốn mình là ai, là người như thế nào cần phải được nắm rõ rồi mới bắt đầu vạch đường đi hướng tới mục tiêu đó. Người thay đổi số phận mình không ai khác ngoài… chính mình”.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/ngay-2010-khi-phu-nu-viet-nam-ket-giua-muon-van-dinh-kien-lam-sieu-nhan-do-lay-gia-dinh-185241018104814947.htm