Thổ cẩm là một trong những sản phẩm mang sắc thái văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc M’nông ở xã Thọ Sơn, Đắk Nhau, Phú Sơn (huyện Bù Đăng) và xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập). Thổ cẩm có rất nhiều ý nghĩa đối với đồng bào M’nông. Nhà nào có nhiều thổ cẩm được coi là giàu có, sang trọng. Thổ cẩm được dùng làm quà tặng cô dâu và 2 bên thông gia trong ngày cưới. Là trang phục truyền thống để các cô gái M’nông khoác lên mình trong các dịp lễ, tết.
Đồng bào M’nông xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng dệt thổ cẩm vào những lúc nhàn rỗi
Những tấm thổ cẩm nhiều hoa văn được dệt tinh tế, phong phú với họa tiết gần gũi giữa con người với thiên nhiên, đặc trưng lao động, sản xuất của đồng bào và sáng tạo trong phối màu thể hiện sự giỏi giang, khéo léo, là niềm tự hào của các cô gái và là một trong những tiêu chí để các chàng trai M’nông lựa chọn làm người yêu, làm vợ. Để có một sản phẩm thổ cẩm hoàn thiện, đồng bào M’nông phải thực hiện qua rất nhiều công đoạn; đòi hỏi mỗi nghệ nhân phải trang bị cho mình những kỹ năng, tri thức và sức sáng tạo riêng để thực hành. Thông thường, để làm ra một tấm thổ cẩm, người làm nhanh có thể dệt 1-2 tuần. Đối với những tấm thổ cẩm nhiều hoa văn đặc sắc, kích thước lớn có khi 1 năm mới hoàn thành.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu: Vui mừng phấn khởi vì Bù Đăng có thêm nghề truyền thống được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để đồng bào M’nông tại Bù Đăng tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống này
Nhiều năm trước, việc dệt thổ cẩm rất phổ biến, nhà nào cũng có vài khung dệt, phụ nữ hầu như ai cũng biết làm nghề truyền thống này. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều hộ đã cất khung dệt, làm những công việc khác trong lúc nông nhàn như: cạo vỏ lụa hạt điều, làm công nhân… thay vì dệt thổ cẩm như trước. Vì vậy, số người dệt thổ cẩm hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu làm vì đam mê và nhu cầu sử dụng.
Các thành viên phát biểu tại cuộc họp
Theo kế hoạch, lễ công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống – nghề dệt thổ cẩm của người M’nông tại Bình Phước sẽ được tổ chức ngày 18-5 tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, với các hoạt động: chiếu phim tư liệu giới thiệu về di sản; báo cáo về giá trị, ý nghĩa và công bố quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa hết sức to lớn đối với đồng bào M’nông tại tỉnh Bình Phước. Đây sẽ là tiền đề góp phần quảng bá và đưa sản phẩm thổ cẩm vươn xa, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ thương mại, du lịch và là động lực để người dân tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống này.
Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bình Phước phát biểu tại cuộc họp.