Trong phiên giao dịch ngày 8-10, VN-Index mở cửa với sắc xanh nhưng áp lực bán xuất hiện trong suốt phiên, tạo sự giằng co mạnh giữa hai phe mua và bán. Những nhịp rung lắc này làm cho các chỉ số dao động, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng.
Sự phục hồi của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giúp thị trường duy trì đà tăng và giữ vững trên mức tham chiếu. Kết phiên, VN-Index tăng 2,05 điểm, đóng cửa tại 1.271,98 điểm; HNX-Index giảm 0,94 điểm, đóng cửa tại mức 231,52 điểm.
Đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt 14.967 tỉ đồng, tăng 39,35% so với phiên trước. Dòng tiền có sự cải thiện đáng kể ở các vùng giá thấp, cho thấy nhà đầu tư đang chờ đợi cơ hội để mua cổ phiếu.
Nhận định về phiên giao dịch ngày mai (9-10), ông Võ Kim Phụng, Trưởng phòng phân tích, Công ty chứng khoán BETA, nói rằng độ rộng thị trường phản ánh sự giằng co rõ rệt với số mã tăng (176 mã) và giảm (179 mã), cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường chưa có sự bứt phá rõ ràng.
“Đây là thời điểm cần thận trọng, nhưng cũng không nên bỏ lỡ cơ hội mua vào. Các cổ phiếu thu hút dòng tiền mạnh và nền tảng cơ bản vững chắc sẽ là lựa chọn ưu tiên, đặc biệt là doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng dài hạn và ổn định” – ông Võ Kim Phụng nói.
Chia sẻ bên lề Hội nghị Nhà đầu tư 2024 do Tập đoàn quản lý đầu tư VinaCapital tổ chức chiều 8-10, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối đầu tư chứng khoán của VinaCapital, đã có phân tích kỹ hơn về triển vọng của thị trường chứng khoán.
Bà Thu cho rằng định giá (P/E) hấp dẫn đang là lợi thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, định giá P/E của VN-Index hiện tăng khoảng 11,6 lần là mức hấp dẫn hơn so với một số thị trường chứng khoán trong khu vực Đông Nam Á.
Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp niêm yết đang tiếp tục cải thiện khi lợi nhuận được dự báo tăng trở lại 2 con số trong năm nay và 2 năm tới, cũng là yếu tố hấp dẫn.
Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy dòng tiền trở lại các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt dòng tiền của khối ngoại được kỳ vọng trở lại khi thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025.
“Động lực để VN-Index tăng trong thời gian tới là hoạt động xuất khẩu tốt; tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ; lãi suất duy trì ở mức thấp; đà mất giá của VNĐ trong tầm kiểm soát… Yếu tố nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất khi rót vốn vào chứng khoán vẫn là lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết. Dự kiến năm nay mức lợi nhuận cốt lõi là 11,3% và sẽ tăng dần lên trong 2 năm tới, trở lại mức cao so với giai đoạn trước COVID-19” – bà Hoài Thu phân tích.
Nguồn: https://nld.com.vn/chung-khoan-ngay-mai-9-10-ngat-mach-giam-4-phien-vn-index-lai-gieo-hy-vong-196241008190225575.htm