Ngày 6/1/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 06/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Gọi tắt là Đề án 06). Đây được xem là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển, xây dựng “Chính phủ số”, “công dân số”, “xã hội số” hiện đại.
Trong Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Y tế được giao nhiệm vụ thực hiện liên thông các cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đặc biệt là liên thông dữ liệu phục vụ các nhóm dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử và Giấy khám sức khỏe lái xe được cấp tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB).
Tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình, thực hiện Đề án 06, Bệnh viện đã ban hành các văn bản và tăng cường công tác tuyên truyền đến người bệnh, người nhà và nhân viên y tế để thực hiện. Bệnh viện cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số, như đầu tư hơn 60 đầu đọc mã Code trên căn cước công dân (CCCD) gắn chíp tại các khoa Khám bệnh, Cấp cứu, Nội tiết, Tim mạch, Thần kinh…
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh viện là đơn vị đầu tiên trong ngành Y tế thực hiện KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp từ đầu năm 2022.
Hiện có khoảng 12,9% người bệnh đăng ký KCB bằng CCCD gắn chíp, với tỷ lệ tra cứu thành công đạt gần 32%, còn lại chưa được tích hợp, cập nhật đồng bộ. Việc liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe đã được thực hiện thành công, từ đầu năm 2023 đến nay đã có 78 Giấy được liên thông lên cổng tiếp nhận dữ liệu BHYT. Tính từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 5/2023, có 13 Giấy báo tử được liên thông trên cổng tiếp nhận dữ liệu BHYT.
Ông Trịnh Văn Tiến, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Tôi mắc bệnh mạn tính về tiểu đường, hàng tháng đến khám sức khỏe định kỳ và lấy thuốc BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tôi đã thực hiện đăng ký KCB bằng CCCD gắn chíp từ năm 2022, thấy rất thuận lợi và nhanh chóng. Chỉ cần quẹt CCCD gắn chip vào đầu đọc thẻ, những thông tin cần thiết về cá nhân, quy trình KCB được thể hiện rõ ràng, giảm thời gian chờ đợi, tiện lợi cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế…
Đồng chí Phạm Thị Phương Hạnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh Ninh Bình về triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ Đề án 06 (đây là 1 trong 3 mô hình điểm UBND tỉnh đang triển khai), liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe, liên thông Giấy chứng sinh, Giấy báo tử và làm sạch dữ liệu mũi tiêm COVID-19 phục vụ Đề án 06, đến nay, Sở Y tế đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trong đó, có 4 văn bản triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp; 4 văn bản triển khai liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe; 3 văn bản triển khai liên thông Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, 7 văn bản chỉ đạo làm sạch dữ liệu tiêm chủng COVID-19, 2 văn bản gửi BHXH tỉnh và Công an tỉnh phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp và liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe.
Bước đầu, việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp tính đến hết tháng 7/2023, tỉnh Ninh Bình đã có 189/189 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp để thực hiện KCB BHYT, đạt 100%. Theo đó, có 722.707 lượt tra cứu thông tin BHYT bằng CCCD khi tiếp đón người bệnh đến khám KCB BHYT, trong đó có 498.618 lượt tra cứu thành công (đạt 69%).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Còn tỷ lệ một số CCCD gắn chíp chưa được tích hợp thông tin thẻ BHYT. Khi quét thông tin trên CCCD gắn chíp có một số trường hợp không đầy đủ thông tin hoặc sai thông tin (sai thông tin thẻ, mã số hưởng, thông tin cá nhân như: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ). Đồng thời, một số người dân đi KCB vẫn có thói quen mang thẻ BHYT, không mang CCCD hoặc CCCD chưa được gắn chíp… Sở Y tế đang tiếp tục phối hợp BHXH tỉnh, Công an tỉnh giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ Đề án 06 theo quy định.
Trong liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe, tính đến hết tháng 7/2023, có 13/14 cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe đã thực hiện liên thông thành công cho 7.532 Giấy, đảm bảo thời gian quy định, không để xảy ra tình trạng liên thông quá hạn. Còn 1 cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe (Bệnh xá 145, Quân đoàn I) chưa thực hiện liên thông Giấy theo quy định. Đến nay, các khó khăn, vướng mắc trong liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe đã cơ bản được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế triển khai đảm bảo thời gian quy định.
Đến hết tháng 7/2023, đã có 18 cơ sở KCB thực hiện liên thông thành công 2.981 Giấy chứng sinh (trong đó Bệnh viện Sản Nhi đã liên thông 2.423 Giấy chứng sinh); có 4 cơ sở KCB (gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sản Nhi, Đa khoa Nho Quan và Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp) đã thực hiện liên thông thành công 34 Giấy báo tử.
Đối với công tác làm sạch dữ liệu mũi tiêm COVID-19, đến nay, 100% cơ sở tiêm chủng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được trang bị chữ ký số, đảm bảo ký xác thực hồ sơ “Hộ chiếu vắc xin” trên hệ thống phần mềm tiêm chủng. Tính đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh đã làm sạch được 73.921/117.120 dữ liệu đối tượng tiêm chủng vắc xin COVID-19 cần làm sạch, đạt tỷ lệ 63,12%.
Trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như thông tin người nước ngoài được tiêm chưa chính xác. Nhiều đối tượng ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương khi đi tiêm kê khai địa chỉ không chính xác (có trường hợp kê khai theo công ty, có trường hợp kê khai theo nhà trọ…); việc hồi cứu lại dữ liệu rất khó vì người dân đã thay đổi số điện thoại, nơi ở, nơi làm việc, không liên hệ được. Nhiều trường hợp người cao tuổi mất, chưa làm lại thẻ CCCD, vẫn dùng chứng minh nhân dân cũ nên thông tin không được cập nhật. Một số trường hợp không có CCCD (như bệnh nhân tâm thần…).
Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục rà soát và hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Bố trí nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đối số tại một số đơn vị. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và sử dụng nền tảng số y tế thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phối hợp với VNPT Ninh Bình và các đơn vị liên quan rà soát, chuẩn hóa số liệu ngành Y tế trên Hệ thống điều hành thông minh tỉnh (IOC)…
Bài, ảnh: Hạnh Chi