SGGP
Sinh viên tốt nghiệp ngành văn hóa học có thể làm việc ở nhiều vị trí như: nghiên cứu viên; giảng dạy, đào tạo về khoa học văn hóa; quản lý tại các tổ chức, cơ quan Nhà nước về ngành văn hóa, thông tin, du lịch; biên tập viên chuyên mục văn hóa tại các tạp chí, cơ quan truyền thông báo chí; công chức trong hoạt động quản lý văn hóa nghệ thuật, bảo tồn di sản văn hóa…
Chương trình đào tạo ngành Văn hóa học gồm những nội dung gì, và học ngành này ra trường có nhiều cơ hội việc làm không? (NGUYỄN THỊ DIỆU OANH, Trường THPT Bảo Lộc, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng)
Th.S TRẦN NAM, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TPHCM): Ngành học này trang bị cho người học những kiến thức nền tảng và liên ngành về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Cùng với đó là những lý luận và thực tiễn cơ bản về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm ứng dụng kiến thức liên ngành trong chuyên môn.
Ngoài ra, sinh viên còn được đào tạo những kiến thức cơ bản về khoa học thống kê, công nghệ thông tin, ngoại ngữ và nhiều kỹ năng khác. Để học tốt ngành này, người học cần có khả năng linh hoạt, sáng tạo trong học tập; có ý thức trong bảo tồn những kho tàng văn hóa các dân tộc thiểu số, tôn trọng và tự hào về tài sản văn hóa quốc gia và địa phương.
Sinh viên tốt nghiệp ngành học này có thể làm việc ở nhiều vị trí như: nghiên cứu viên; giảng dạy, đào tạo về khoa học văn hóa; quản lý tại các tổ chức, cơ quan Nhà nước về ngành văn hóa, thông tin, du lịch; biên tập viên chuyên mục văn hóa tại các tạp chí, cơ quan truyền thông báo chí; công chức trong hoạt động quản lý văn hóa nghệ thuật, bảo tồn di sản văn hóa…