Cơ cấu nguồn thu mới sẽ quyết định sự phát triển bền vững
Chiều 15/4, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước quý I/2024 của Bộ TT&TT với các đối tượng quản lý.
Diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 4 điểm cầu, hội nghị có sự tham dự của các thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng cùng đại diện các doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan báo chí, nhà xuất bản trong lĩnh vực TT&TT.
Theo Văn phòng Bộ TT&TT, trong quý I/2024, hệ thống tiếp nhận và xử lý kiến nghị trực tuyến ngành TT&TT đã tiếp nhận 50 kiến nghị của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan báo chí và xuất bản. Tính đến 14h ngày 15/4, tất cả kiến nghị này đều đã được các đơn vị thuộc Bộ trả lời.
Qua xem kỹ các kiến nghị và giải đáp kiến nghị gửi đến Bộ TT&TT trong quý I/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, việc tiếp nhận và trả lời kiến nghị của Bộ thời gian vừa qua đã có tiến bộ đáng kể. Câu hỏi của các đơn vị có chất lượng tốt, câu trả lời của các cục, vụ cũng tiến bộ hơn trước. “Tôi mong muốn các đơn vị trong ngành tăng cường hỏi sâu, tăng cường làm cho đến tận cùng. Qua đó, sẽ giúp cho quản lý nhà nước của Bộ ‘lên tay’ hơn”, Bộ trưởng đề nghị.
Bộ trưởng cũng nhắc chung các cơ quan, đơn vị ở cả lĩnh vực báo chí và công nghệ số về sự cần thiết phải có định hướng mới, đa dạng hóa nguồn thu. Bộ trưởng phân tích, những nguồn thu truyền thống đang bị xói mòn, các đơn vị cần phải có nguồn thu mới. Mặt khác, công nghệ mới đang thay đổi các ngành, vì thế cũng tạo ra các nguồn thu mới.
“Cơ cấu nguồn thu mới sẽ quyết định sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp, một đơn vị sự nghiệp. Cho nên, cả đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp đều cần chú ý rằng cơ cấu nguồn thu quyết định tương lai và phải chủ động cơ cấu lại nguồn thu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chỉ rõ toàn ngành TT&TT phải chuyển đổi số chính mình trước, sau đó mới là hạt nhân để chuyển đổi số các ngành, địa phương và doanh nghiệp khác, người đứng đầu ngành TT&TT cũng gợi mở cách làm đơn giản, hiệu quả nhất là áp dụng các ứng dụng số đã có.
Về ứng dụng AI trong công việc hàng ngày, Bộ trưởng lưu ý ứng dụng AI càng hẹp thì càng hiệu quả, dễ làm và dễ triển khai; AI càng hẹp thì càng thông minh. AI hẹp là AI trợ lý ảo cho từng vụ, cục, từng doanh nghiệp, từng cơ quan báo chí. Các cục, vụ, doanh nghiệp, cơ quan báo chí sẽ đưa dữ liệu, huấn luyện để có trợ lý ảo của đơn vị mình, dựa trên nền tảng LLM do các doanh nghiệp công nghệ phát triển.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ phận nghiên cứu phát triển với sự phát triển đúng hướng của một tổ chức, Bộ trưởng cho rằng: Muốn phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đơn vị nào trong ngành TT&TT cũng cần có bộ phận này. Việc đặt đúng bài toán, đúng vấn đề là việc đầu tiên, quan trọng nhất của nghiên cứu phát triển, có thể chiếm tới trên 50%.
Bộ trưởng cũng chỉ ra cho các cục, vụ trong Bộ cách để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số trong nước phát triển. Đó là, cần đặt ra các bài toán quản lý để doanh nghiệp phát triển phần mềm, phát triển ứng dụng, chạy thử và đặt mục tiêu, tổ chức mua sắm. Nêu dẫn chứng cụ thể việc Cục An toàn thông tin gần đây đã đặt ra một số bài toán cho doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết qua việc giải những bài toán này, doanh nghiệp trưởng thành lên.
Thương mại hóa 5G nhưng mạng 4G cũng phải tốt hơn
Tại hội nghị, nhiều tín hiệu đáng mừng về sự phát triển của hạ tầng số Việt Nam đã được các lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp chia sẻ. Theo Tổng giám đốc VNPT IT Dương Thành Long, VNPT đang tập trung phát triển hạ tầng băng rộng, tăng cường kết nối quốc tế, phát triển các trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây, IoT, đồng thời kết hợp với các đơn vị trong và ngoài nước để phát triển các nền tảng số.
Với Viettel, Tổng giám đốc Viettel Telecom Cao Anh Sơn cho hay, từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp này đã có nhiều chiến dịch để chuyển các thuê bao 2G lên 4G. Kết quả, số lượng thuê bao 2G trên mạng lưới Viettel giảm mạnh.
Viettel sẽ tiếp tục hành động để giảm tỷ lệ thuê bao 2G xuống dưới 5% tổng thuê bao toàn mạng lưới vào tháng 9/2024. Để làm được điều đó, Viettel dự kiến triển khai thêm khoảng 20.000 trạm BTS, tăng vùng phủ 4G tương đương với 2G.
Điểm nhấn đáng chú ý của hạ tầng số Việt Nam gần đây là việc tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số với 2 khối băng tần B1 (2500 – 2600 MHz) và C2 (3700 – 3800 MHz).
Với việc Viettel và VNPT đấu giá thành công, Bộ TT&TT đã cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G từ ngày 11/4/2024. Tại hội nghị ngày 15/4, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho 2 doanh nghiệp giành quyền sở hữu 2 khối băng tần B1 và C2.
Trong bối cảnh dịch vụ 5G sắp được triển khai tại Việt Nam, cả VNPT và Viettel đều coi đây là ưu tiên chiến lược. VNPT dự định nâng cấp hệ thống truyền dẫn, đồng thời đầu tư 1.000 trạm 5G mới trong năm 2024. Viettel cũng quyết tâm triển khai thương mại hóa dịch vụ 5G trong năm nay để cung cấp sớm cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tỷ lệ tần số trên mỗi nhà mạng và trên đầu người của Việt Nam hiện thấp hơn khoảng 40% so với các nước ASEAN. Điều này chắc chắn sẽ có tác động đến chất lượng mạng lưới.
Trao đổi với các nhà mạng, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý về vấn đề đảm bảo chất lượng mạng lưới viễn thông. Trong vài năm tới, dịch vụ 4G vẫn sẽ đóng vai trò chủ đạo tại thị trường Việt Nam. Do vậy, các nhà mạng cần tìm cách nâng cấp mạng lưới, đảm bảo tăng cường chất lượng mạng 4G, song song với việc triển khai 5G.
“5G là trọng điểm nhưng 4G mới là mạng nòng cốt, dung lượng lớn, vùng phủ rộng. Nhà mạng vừa đầu tư thêm cho mạng 4G, vừa đầu tư mới 5G mới đảm bảo được chất lượng”, Bộ trưởng nhận định.
Cách giải bài toán này, theo người đứng đầu ngành TT&TT, là các nhà mạng nên cân nhắc việc đấu thầu thêm tần số thấp, ở băng tần 700 MHz để tăng cường chất lượng vùng phủ sóng 4G. Ở góc độ cơ quan quản lý, để thúc đẩy chất lượng mạng lưới viễn thông, Bộ TT&TT sẽ đo kiểm và công bố công khai hàng tháng.
Cách làm mới về chuyển đổi số, chú trọng khả năng phục hồi hệ thống
Tại hội nghị, bên cạnh viễn thông và tần số vô tuyến điện, qua lắng nghe chia sẻ, trao đổi của một đơn vị đối tượng quản lý như Công ty Nhã Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài PTTH Hà Nội, báo Tài nguyên Môi trường, Công ty VinAI…, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã có những chỉ đạo cụ thể với các lĩnh vực khác của ngành như bưu chính, chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, báo chí, xuất bản, thông tin cơ sở.
Đơn cử, với bưu chính, nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực này cũng như việc đầu tư hạ tầng bưu chính, Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Bưu chính làm rõ nội hàm về hạ tầng bưu chính và hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính thực hiện, đầu tư.
Bên cạnh trách nhiệm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh thông qua việc làm rõ các tiêu chí, giám sát thị trường và xử lý vi phạm, Vụ Bưu chính cũng cần định kỳ đo lường và công bố chất lượng dịch vụ để các doanh nghiệp có biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ. “Đo lường và công bố chất lượng là một trong những công cụ quản lý nhà nước hiệu quả, không chỉ riêng lĩnh bưu chính mà các lĩnh vực khác cũng cần phải làm”, Bộ trưởng yêu cầu.
Về chuyển đổi số, ngoài lưu ý với nhiệm vụ quan trọng là sửa Nghị định 73 quy định quản lý đầu tư và ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước đảm bảo khả thi, người đứng đầu ngành TT&TT chỉ rõ, trong quý II/2024, Bộ TT&TT sẽ đánh giá và công bố tỉnh mẫu về trung tâm điều hành đô thị thông minh, dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Cách làm mới của Bộ là làm mẫu, làm đến tận nơi và sau đó công bố tỉnh mẫu để các địa phương khác học tập kinh nghiệm. Bộ trưởng cũng yêu cầu: Việc đo lường đánh giá chuyển đổi số phải online. Những gì Cục Chuyển đổi số quốc gia quản lý đều phải kết nối online với hệ thống của các đối tượng và cương quyết không nhận báo cáo giấy.
Đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chú ý dữ liệu là tài sản quan trọng nhất mà càng khai thác thì càng tạo ra nhiều giá trị, Bộ trưởng nhấn mạnh: Chuyển đổi số phải dựa trên dữ liệu. Để thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu tại các bộ, ngành, địa phương đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, Bộ TT&TT đã thành lập Phòng dữ liệu tại Cục Chuyển đổi số quốc gia. Thời gian tới, phòng sẽ có hướng dẫn các bộ, tỉnh về xây dựng cơ sở dữ liệu.
Từ thực tế các cuộc tấn công ransomware nhắm vào các hệ thống của doanh nghiệp gần đây, Bộ trưởng nhận định đây là dịp tốt để nhìn lại mức độ an toàn của các hệ thống an toàn thông tin và cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, an ninh mạng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội. Các cuộc tấn công gần đây đã cảnh báo những rủi ro, mức độ thiệt hại khi các đơn vị bị tấn công mạng.
Bộ trưởng chỉ rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Các bộ, ngành, địa phương và cả các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành TT&TT cần quán triệt chỉ thị này. Cục An toàn thông tin có hướng dẫn về thực hiện chỉ thị, đặc biệt chú ý đến khả năng chống chịu của hệ thống, khả năng phục hồi hệ thống. “Bởi lẽ, chúng ta sẽ khó tránh khỏi bị tấn công, quan trọng là khả năng phục hồi hệ thống”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lưu ý đầu tư cho CNTT, chuyển đổi số phải luôn có cấu phần an toàn, an ninh mạng với mức chi ít nhất 10%, người đứng đầu ngành TT&TT còn yêu cầu Cục An toàn thông tin nhanh chóng đầu tư nâng cấp hệ thống cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, với mục tiêu để Trung tâm này làm tốt cả 2 chức năng quan trọng là giám sát thông tin trên không gian mạng và giám sát tấn công, hỗ trợ khi đơn vị bị tấn công.