Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Ngành TT&TT là hạ tầng số, là công nghệ số, là công nghiệp số, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là truyền thông số thì phải nhận lấy sứ mệnh tạo ra các nền tảng cho đất nước phát triển.
Tạo tiền đề và nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước
Ngày 29/12, để đánh giá những thành tựu, kết quả đã đạt được và đưa ra những định hướng phát triển của ngành TT&TT thời gian tới, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tham quan triển lãm các sản phẩm, giải pháp của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT, bên lề hội nghị. Ảnh: Phạm Hải
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tham dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ TT&TT.
Sự kiện còn có sự tham dự của các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Phạm Gia Túc; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Ngô Đông Hải.
Các nguyên lãnh đạo ngành TT&TT qua các thời kỳ tham dự hội nghị gồm có nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá; nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp; nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực; nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Phan Khắc Hải; các nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, Nguyễn Minh Hồng, Phạm Hồng Hải, Nguyễn Thành Hưng và Hoàng Vĩnh Bảo.
Cùng dự còn có các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Phạm Đức Long, Bùi Hoàng Phương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương; lãnh đạo các hội, hiệp hội; lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành; giám đốc các cơ quan chuyên trách CNTT; giám đốc các Sở TT&TT và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ TT&TT.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Thứ trưởng Bộ TT&TT trên bàn chủ tọa hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, việc Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2020 là một quyết sách mạnh mẽ, tiên phong và 5 năm qua là chặng đường vừa làm vừa khai phá; đồng thời khẳng định: Chính tinh thần dám khai phá đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng về kinh tế số, thương mại điện tử, Chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số nói chung vào loại nhanh nhất trong khu vực và thế giới.
“Cách đây 5 năm, ứng dụng CNTT là phổ biến, chuyển đổi số là rất mới. Chuyển đổi số là mới mẻ không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới. Cái mới thì tinh thần dám khai phá là quan trọng nhất. Ai dám khai phá người đó sẽ dẫn đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Clip đánh giá kết quả 5 năm chuyển đổi số quốc gia. Nguồn: Bộ TT&TT
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ, năm 2025 là năm đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình đứng dậy mạnh mẽ của dân tộc để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phồn vinh, thịnh vượng.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Khi đó, xếp hạng về thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ vào nhóm top 100 toàn cầu. Hiện nay, xếp hạng của Việt Nam đang khoảng 120.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng điểm ra mục tiêu Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” đặt ra cho ngành TT&TT. Đó là: Hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, xếp hạng quốc tế năm 2030 phải thuộc nhóm top 50 toàn cầu, tức là cao gấp đôi xếp hạng kinh tế.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Ngành TT&TT là hạ tầng số, là công nghệ số, là công nghiệp số, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là truyền thông số thì phải nhận lấy sứ mệnh tạo ra các nền tảng cho đất nước phát triển. Ảnh: Lê Anh Dũng
Qua soi chiếu thứ hạng hiện tại, kết quả tăng bậc thời gian qua và mục tiêu đặt ra vào năm 2030 ở từng lĩnh vực, mảng hoạt động chính của ngành TT&TT như bưu chính, viễn thông, hạ tầng dữ liệu, an toàn thông tin mạng… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra những việc ngành cần làm thời gian tới. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã truyền cảm hứng, giúp các đại biểu cũng như cán bộ, nhân viên toàn ngành vững tin rằng, chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành các mục tiêu cao đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao.
Vào năm 2030, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, chuyển đổi số của Việt Nam phải lọt vào nhóm top 50 toàn cầu, một số lĩnh vực vào top 20 – 30.
“Đây là sứ mệnh cao cả. Sứ mệnh đi trước, đi nhanh, lọt vào nhóm các nước đã phát triển để tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển đất nước, cho chuyển đổi số, cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Và chúng ta sẽ quyết tâm đạt mục tiêu này. Muốn làm được việc lớn thì đầu tiên phải dám nghĩ tới”, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh.
Khẳng định Việt Nam ngày nay không nhỏ nữa, phải vươn mình đứng dậy sánh vai với cường quốc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định: Việt Nam đã có lực để vươn mình, đã có thu nhập đầu người đạt mức trung bình; đồng thời chúng ta có khát vọng Việt Nam hùng cường, và đang có cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng công nghệ số. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hội đủ các điều kiện này là đủ để đất nước vươn mình, đạt tăng trưởng hai con số.
“Ngành TT&TT là hạ tầng số, là công nghệ số, là công nghiệp số, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là truyền thông số thì phải nhận lấy sứ mệnh tạo ra các nền tảng cho đất nước phát triển. Việt Nam muốn bay lên thì phải có đôi cánh, một bên là công nghệ, một bên là sức mạnh tinh thần do báo chí, truyền thông và xuất bản khơi dậy”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Những bước tiến mới của “đôi cánh” công nghệ và truyền thông
Qua tham luận của đại diện Bộ VHTT&DL, UBND thành phố Hải Phòng, Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT), Tập đoàn Viettel cùng sự kiện ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc, các đại biểu dự hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành TT&TT đã phần nào thấy được những nỗ lực của các cấp, ngành trong công cuộc chuyển đổi số cũng như tạo dựng môi trường truyền thông tích cực, lành mạnh.
Phim về kết quả nổi bật năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Nguồn: Bộ TT&TT
Khẳng định chuyển đổi số là yếu tố “đi đầu, khách quan và tất yếu” để phát triển du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong cho biết: Nhờ ứng dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng thông minh, “bộ mặt” ngành du lịch Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong năm 2024, mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới…
Các địa phương chú trọng vào các sản phẩm du lịch có hàm lượng công nghệ cao, tích hợp những công nghệ mới nhất hiện nay như AI, VR360, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, tranh thủ nguồn lực xã hội, tăng cường hợp tác công – tư và với các tổ chức quốc tế, mạng xã hội để lan tỏa hình ảnh Việt Nam trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong tham luận “Chuyển đổi số lĩnh vực du lịch – cơ hội và thách thức”. Ảnh: Phạm Hải
Về quản lý nhà nước, Bộ VHTT&DL đã tạo các hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực du lịch; nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá nền tảng số quốc gia Quản trị và kinh doanh du lịch; Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả điểm đến du lịch thông minh; tổ chức tập huấn và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số du lịch.
“Kết hợp tài nguyên, con người, văn hóa Việt Nam với chuyển đổi số, du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể theo kịp thế giới trong 7 đến 10 năm”, ông Hồ An Phong tin tưởng.
Chia sẻ góc nhìn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho hay: Hải Phòng nhận thức sâu sắc trong chuyển đổi số thì xây dựng chính quyền số là nhiệm vụ quan trọng, phải đi trước và có đột phá. Xây dựng chính quyền số thì các dịch vụ số cung cấp cho người dân phải được ưu tiên chuyển đổi số mạnh mẽ.
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho Hải Phòng đến hết 2025 là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 75%. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông Hoàng Minh Cường cũng thông tin cụ thể về 3 giai đoạn tạo động lực, mở rộng phạm vi và khơi thông các điểm nghẽn còn lại trong lộ trình chuyển đổi số, việc cung cấp dịch vụ công của Hải Phòng. Theo đó, cơ bản sau giai đoạn 2, Hải Phòng đã đã đưa được 100% các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến và đảm bảo tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 41%. Mục tiêu của giai đoạn 3 sẽ bắt đầu từ năm 2025 là chuyển đổi tối đa số hồ sơ chưa được đưa lên trực tuyến, để đến hết 2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của Hải Phòng đạt 75%.
Bên cạnh việc nêu ra 4 giải pháp chủ yếu sẽ được Hải Phòng tập trung triển khai thời gian tới, ông Hoàng Minh Cường cũng đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành nhằm góp phần để thành phố hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng chia sẻ về nâng cao thứ hạng phát triển hạ tầng số Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng
Dựa trên Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng đã có nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng số Việt Nam. Cụ thể, Chính phủ cần hướng dẫn sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí nghiên cứu phát triển, tập trung cho các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng và bao trùm như bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng…
Bên cạnh đó, cần triển khai cơ chế thí điểm và chính sách miễn trừ cho doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, đồng thời đề xuất hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại doanh nghiệp.
Đại diện Viettel cũng kiến nghị, Chính phủ có cơ chế đặc biệt trong việc nghiên cứu tiếp cận và mua bí mật công nghệ, công nghệ tiên tiến nước ngoài, sớm hình thành và hướng dẫn sử dụng quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược; có các cơ chế chính sách đặc biệt trong hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do thông tin về công tác quản lý truyền thông xã hội trong tình hình mới. Ảnh: Lê Anh Dũng
Với lĩnh vực truyền thông, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do cho hay, những năm qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp mới và đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc quản lý không gian mạng nói chung và quản lý truyền thông xã hội.
Theo ông Lê Quang Tự Do, trong quá trình trực tiếp quản lý, Cục PTTH&TTĐT nhận thức được hai vấn đề. Đó là, không gian mạng trở thành không gian sống mới của loài người, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng chính là bảo vệ chế độ; quản lý không gian mạng nói riêng và quản lý truyền thông xã hội nói chung không thể và không chỉ là nhiệm vụ của một vài đơn vị chủ chốt như trước đây, mà là của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, muốn quản lý thông tin trên mạng và truyền thông xã hội, bắt buộc phải quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới.
Từ hai tiền đề trên, Cục PTTH&TTĐT đã tìm tòi, rút ra những cách làm mới, đó là kết hợp giữa xây và chống, phải cùng nhau xây và cùng nhau chống. Cách làm này có thể khái quát thành 4 ý: Xây quy định, xây cách đánh, xây lực lượng, xây thế trận, nhằm đạt được mục tiêu là chống thông tin xấu độc và chống mất kiểm soát truyền thông xã hội trên không gian mạng.
Bộ TT&TT, KH&CN sau hợp nhất sẽ mạnh hơn, sâu hơn và hiệu quả hơn
Trao đổi tại hội nghị, nhắc đến chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về việc hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN trở thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Hai bộ hợp nhất với nhau phải tìm được điểm chung cộng lực thì mới mạnh lên.
Qua phân tích, người đứng đầu ngành TT&TT chỉ rõ: Công nghệ chính là điểm chung, tạo ra sự hiệp lực, cộng lực và cộng hưởng của hai bộ, đồng thời nhận xét: “Tên mới của bộ hợp nhất là Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông, vừa bao quát được hết các lĩnh vực của hai bộ, lại vừa thể hiện được cái cộng lực, cộng hưởng của hai bộ là công nghệ”.
Việc Bộ TT&TT chính thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc, đặt dấu mốc quan trọng trong việc phủ rộng, lan tỏa triển khai công tác truyền thông chính sách trên cả nước. Ảnh các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt mạng lưới. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhấn mạnh hai bộ hợp nhất với nhau sẽ thành một bộ mới rất quan trọng, rất lớn của đất nước, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết có nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết “Khoán 10” cho Nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
“Bộ mới hợp nhất, Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông sẽ là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa Nghị quyết đặc biệt quan trọng này”, người đứng đầu ngành TT&TT chỉ rõ.
Từ những phân tích những điểm cốt lõi của Nghị quyết 57, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Từ nay, chuyển đổi số đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân, chuyển đổi số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Đồng thời tin tưởng rằng, một trang mới thách thức nhưng cũng đầy vinh quang của ngành sẽ được mở ra trong thời gian tới, khi Bộ TT&TT hợp nhất với Bộ KH&CN trở thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ vui mừng khi Bộ TT&TT đạt được kết quả to lớn và ghi nhận các ý kiến của bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ để thúc đẩy ngành TT&TT phát triển.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng bằng khen cho 22 tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển ngành TT&TT trong năm 2024. Ảnh: Phạm Hải
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, qua những số liệu dù chưa đầy đủ nhưng đã minh chứng sinh động về sự nỗ lực của toàn ngành. Tuy vậy, đại diện lãnh đạo Chính phủ cũng đã chỉ ra những thách thức, khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, đòi hỏi ngành TT&TT phải có giải pháp trong thời gian tới.
Đơn cử như, cơ sở dữ liệu và hạ tầng thông tin còn hạn chế nên việc áp dụng lĩnh vực đa ngành gặp khó khăn. Việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT có đáp ứng nhu cầu hay không; đào tạo 50.000 kỹ sư chip bán dẫn, thì yêu cầu hiện nay có đáp ứng hay không… Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ TT&TT phải là “tổng tham mưu trưởng” cho Chính phủ về việc này.
Về báo chí, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, cần quản lý chặt chẽ để báo chí là báo chí cách mạng; cần ngăn chặn thông tin xấu độc trên các nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới. Thông tin xấu độc “gặm nhấm dân”, làm sai lệch và ảnh hưởng niềm tin của người dân với chính quyền nên cần phải chặn ngay bằng công nghệ, pháp luật và hợp tác quốc tế.
Trong năm 2025 và thời gian tới, Phó Thủ tướng kỳ vọng Bộ TT&TT sẽ phát huy các kết quả, tích cực đổi mới sáng tạo và khắc phục thách thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, hạ tầng số, áp dụng mạnh mẽ AI, công nghiệp số góp phần thực hiện mục tiêu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định: “Việc sáp nhập Bộ mới có sức mạnh mới, sứ mệnh lớn hơn và thực hiện hiệu quả hơn”. Ảnh: Phạm Hải
Trên cơ sở Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị với những mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, đây là “mệnh lệnh” cũng là nhiệm vụ cần tạo sự đột phá cho đất nước phát triển, là kim chỉ nam cho hành động. Ông yêu cầu cần đẩy mạnh phát triển công nghệ số, tuyên truyền cho người dân hiểu nội hàm kinh tế số.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung công tác đấu tranh thông tin xấu độc từ nền tảng xuyên biên giới bằng công nghệ; phối hợp xử lý pháp luật các hành vi vi phạm; chống trục lợi, lừa đảo. Tăng cường điều tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí và truyền thông, trong đó hoàn thiện Luật Báo chí để báo chí phát triển, chuyển sang giai đoạn thông tin số.
Về hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định “việc sáp nhập Bộ mới có sức mạnh mới, sứ mệnh lớn hơn và thực hiện hiệu quả hơn”.
Hai bộ có điểm chung nhất là công nghệ, ông tin tưởng hai bộ sẽ “mạnh hơn, sâu hơn và hiệu quả hơn”. Phó Thủ tướng cho biết, hai Bộ trưởng đã có những cuộc làm việc thực hiện hợp nhất bộ máy với tinh thần nhanh, hiệu quả.
Tiếp thu chỉ đạo, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn những ý kiến, gợi ý của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Các chỉ đạo, các nhiệm vụ Phó Thủ tướng giao sẽ được Bộ TT&TT cụ thể hóa vào kế hoạch và chương trình hành động của năm 2025.
“Các nhiệm vụ Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã giao cho chúng ta là mệnh lệnh, phải tìm cách làm bằng được. Đây là trách nhiệm của ngành TT&TT trước Chính phủ và cũng là trách nhiệm với đất nước!”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/bo-tt-tt-kh-cn-sau-hop-nhat-se-manh-hon-sau-hon-va-hieu-qua-hon-2357798.html