Sáng 24/1, Hội thảo Tham vấn chính sách về giá dịch vụ thủy lợi đã được tổ chức dưới sự chủ trì của của Thứ trưởng Bộ Tài chính và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo thông tin tại sự kiện, hệ thống công trình thủy lợi, một trong các trụ cột quan trọng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Công tác quản lý dịch vụ thủy lợi theo hướng hiệu quả và bền vững đã và đang trở thành tâm điểm, với nhiều giải pháp, chính sách được ban hành và thực hiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và cạnh tranh giữa các ngành kinh tế sử dụng nước.
Việc nghiên cứu và chỉnh sửa chính sách giá sản phẩm dịch vụ Thủy lợi, nhất là Nghị định 96 là nhu cầu cần thiết. Việc chỉnh sửa chính sách này cần hướng tới rõ ràng và đơn giản trong phương pháp xác định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, đồng thời đảm bảo tính đúng đủ của chi phí trong quản lý vận hành.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, kể từ khi Luật Thuỷ lợi và các văn bản liên quan được ban hành, chính sách giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, được cụ thể hóa trong Nghị định 96 nă 2018, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng từ cơ chế phí sang cơ chế giá.
“Sau 5 năm triển khai Nghị định 96, đã nảy sinh một số bất cập, giá dịch vụ thủy lợi chưa phù hợp với thực tế. Mức hỗ trợ thủy lợi phí giữ nguyên không thay đổi kể từ năm 2012 dù nhiều giá cả đầu vào đã có nhiều biến động”, Thứ trưởng Hiệp nói.
Đề cập đến vấn đề giá cả, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2012, giá hỗ trợ cho công tác thủy lợi không thay đổi, nhưng giá nguyên liệu đầu vào theo thống kê đã tăng từ 1,5 đến 1,7 lần. Điều này gây ra nhiều khó khăn rất lớn cho ngành thủy lợi, nguồn thu của các công ty rất thấp, chi phí bảo trì hàng năm không đảm bảo,…
Từ đó, Thứ trưởng Hiệp cho rằng, việc chuyển từ phí sang giá, tính đúng. tính đủ giá và tiền lệ phí rất quan trọng. Việc thay đổi hình thức hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi từ cơ chế phí sang giá phù hợp với tình hình ngày càng phát triển của xã hội.
Các khoản chi phí tính trong cơ cấu giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và các nội dung được hỗ trợ trong quản lý khai thác công trình thủy lợi được minh bạch. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Bộ NN&PTNT, các địa phương có căn cứ để thu sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền cho một số đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thực tiễn quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụngngân sách nhà nước và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các đơn vị khai thác công trình thủy lợi.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty chia sẻ, việc tính giá dịch vụ thủy lợi giúp xúc tác đầu tư tư nhân trong thủy lợi nói riêng và nông nghiệp nói chung. Đồng thời, việc định giá có thể khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, thúc đẩy hệ thống tưới tiêu, phát triển bền vững. Ở chiều ngược lại sẽ tạo ra sự hấp dẫn cho khu vực đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, cơ chế định giá, giá dịch vụ thủy lợi phù hợp có thể hạn chế biến đổi khí hậu thông qua ứng dụng nông nghiệp thông minh, tưới tiêu hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính,…
Tại sự kiện, Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng việc xây dựng khuyến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 96 phải đi theo nguyên tắc đánh giá thực tiễn cơ chế giá, chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Đồng thời, xử lý mối quan hệ giữa dịch vụ thủy lợi và dự toán chi hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi theo nguyên tắc dự toán phải căn cứ vào giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi.
“Bên cạnh đó, cần tính toán được toàn bộ chi phí hệ thống, từ đầu mối đến mặt ruộng và người dùng nước. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật liên quan và minh bạch trong thực hiện”, ông Thỏa nói.
Khuyến nghị về định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, ông Thỏa cho rằng, cần bổ sung thêm nguyên tắc định giá và căn cứ định giá theo quy định của Luật giá và Luật Thủy lợi.