Nửa tháng không ngơi nghỉ
Hơn 2 tuần qua, trạm bơm Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) chưa khi nào dừng hoạt động. 6 tổ máy bơm tại trạm được các cán bộ, công nhân viên vận hành liên tục để tiêu thoát nước tại các xứ đồng, bảo vệ những diện tích lúa vụ Mùa.
Trạm trưởng trạm bơm Vĩnh Phúc Nguyễn Quang Minh cho biết, trước đó, từ ngày 16/7, khi có thông tin về đợt mưa lớn kéo dài sắp diễn ra, đơn vị đã chủ động vận hành bơm tiêu nước đệm khỏi đồng ruộng. Hiện, nhiều diện tích canh tác lúa thuộc các xã ven sông Tích, mực nước đã rút.
Trong đợt mưa đang diễn ra, huyện Chương Mỹ là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về tổng diện tích nông nghiệp bị ngập úng. Hiện, Xí nghiệp đầu tư phát triển thuỷ lợi huyện Chương Mỹ đang “căng mình” chống úng ngập cho hàng trăm héc-ta lúa vụ Mùa còn đang ngập nước.
Giám đốc Xí nghiệp đầu tư phát triển thuỷ lợi huyện Chương Mỹ Đỗ Việt Dũng cho biết, những ngày qua, hàng chục cán bộ, công nhân viên các cụm thuỷ nông tiếp tục ứng trực 24/24 giờ theo phân công, tập trung vận hành tối đa các tổ máy bơm để tiêu thoát nước khỏi các xứ đồng.
Trong quá trình chống ngập úng, cán bộ, công nhân viên các trạm bơm cũng đối diện nhiều thách thức. Hệ thống các trạm bơm được xây dựng cách đây 50 – 60 năm, hiện nhiều hạng mục đã xuống cấp. Dù trước mùa mưa lũ năm nay, nhiều hạng mục đã được tu sửa nhưng năng lực vận hành rất hạn chế.
Đặc biệt, trong bối cảnh mực nước các sông đều lên cao trên mức báo động trong những ngày qua, việc tiêu thoát nước của hệ thống trạm bơm gặp rất nhiều khó khăn. Cá biệt có một số trạm bơm còn… bị ngập, do mực nước sông lên nhanh. Cán bộ, công nhân viên phải di dời máy móc lên cao để bảo vệ tài sản của nhà nước.
Nguy cơ ngập úng còn tiếp diễn
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn, do ảnh hưởng của mưa lớn, có thời điểm, hơn 11.000ha lúa vụ Mùa năm 2024 trên địa bàn TP bị ngập nước. Đó là chưa kể hàng ngàn héc-ta rau màu, cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng tại những vùng trũng, thấp…
Tuy nhiên, đến nay với sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp thuỷ lợi, phần lớn những diện tích sản xuất nông nghiệp tại các huyện ven sông đã không còn bị ngập úng. Hiện, những diện tích bị chưa tiêu thoát hết nước còn lại chủ yếu là cây lúa thuộc địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai, Quốc Oai…
Đáng chú ý, trong 2 tháng 8, 9/2024, khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ được nhận định sẽ tiếp tục hứng chịu những đợt mưa lớn diện rộng kéo dài. Nguy cơ ngập úng được dự báo sẽ còn tiếp diễn, với mức độ nghiêm trọng hơn, nếu như các địa phương thuộc TP Hà Nội không chủ động các biện pháp ứng phó.
Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy) Trần Anh Tuấn cho biết, khi có thông tin về một đợt mưa lớn kéo dài, đơn vị sẽ ngay lập tức chỉ đạo các xí nghiệp thuỷ lợi vận hành từ sớm các tổ máy bơm để tiêu thoát nước đệm; không tích nước trên đồng ruộng và hệ thống kênh tiêu.
“Hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang chỉ đạo các xí nghiệp thuỷ lợi trực thuộc tập trung vận hành 100% công suất của các trạm bơm để tiêu thoát nước, chống úng ngập cho các xứ đồng. Bên cạnh đó, duy trì ứng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ để có biện pháp ứng phó phù hợp…” – ông Trần Anh Tuấn nói thêm.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ ngập úng trong những tháng còn lại của mùa mưa lũ năm 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các doanh nghiệp thuỷ lợi, các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) tại Văn bản số 1084/TL-VHTT về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản, tiếp tục đề nghị các sở ngành, các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, chủ động các phương án ứng phó thiên tai, trong đó có úng ngập nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, trong hai tháng 8, 9/2024, trên địa bàn Hà Nội có khả năng bị ảnh hưởng 1 – 3 đợt mưa lớn trên diện rộng; trong đó, tổng lượng mưa tháng 8 từ 250 – 370mm và tháng 9 là 150 – 290mm. Tổng lượng mưa tại khu vực ngoại thành sẽ lớn hơn khu vực nội thành.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-nganh-thuy-loi-cang-minh-ung-pho-ung-ngap.html