Những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã cùng với tỉnh Quảng Ninh nỗ lực thực hiện chiến lược chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chủ động triển khai các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm xanh hóa môi trường sản xuất than, tích cực đổi mới công nghệ khai thác, ứng dụng tối đa mô hình kinh tế tuần hoàn vào các công đoạn sản xuất. Chiến lược này không những giúp cân bằng, hài hòa với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mà còn giúp ngành than bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Ðến nay, tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường tại Quảng Ninh đạt hơn 1.200ha. Dự kiến đến năm 2025, mỗi năm, ngành than phủ xanh thêm 1.000ha và sẽ kết thúc đổ thải ở các bãi đổ thải ngoài có hướng về các khu đô thị và quốc lộ 18A để trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, góp phần cùng tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.
Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải cho biết: Ngành than tiếp tục thực hiện các cam kết về môi trường với địa phương và dành các nguồn lực cho công tác bảo vệ, trồng cây cải tạo hoàn nguyên môi trường; đồng thời, tập trung triển khai các phương án đối phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, thân thiện với môi trường hơn.
Hiện nay, Công ty Chế biến than Quảng Ninh có 9 xe tưới nước dập bụi ở các khu vực kho cảng vùng Cẩm Phả, Hạ Long và Uông Bí, Mạo Khê cùng hệ thống phun nước dập bụi tại các khu vực dây chuyền chế biến than, các vị trí đầu các máng rót than, kho than, các tuyến đường vận chuyển… Mới đây, công ty tiếp tục đầu tư 3 máy phun sương cao áp dập bụi với tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng và thực hiện cải tạo hệ thống đường nội bộ, hệ thống thoát nước, tổ chức thu gom nước bề mặt, làm các hố lắng; tổ chức che bạt các kho than để bảo vệ than và chống phát tán bụi. Định kỳ hằng tháng, quý, công ty tổ chức quan trắc môi trường, bảo đảm các quy định về môi trường.
Phó Giám đốc Công ty Chế biến than Quảng Ninh Bùi Quang Huy cho biết: Trong quá trình sản xuất, công tác bảo vệ môi trường luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu, nhất là công tác dập bụi tại các khu vực chế biến, các kho than, các tuyến đường vận chuyển than. Cùng với quy hoạch hệ thống kho cảng ở các khu vực sản xuất, công ty đã tích cực trồng cây xanh, đầu tư xây dựng khuôn viên vườn hoa, cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, bảo đảm công tác môi trường, phát triển bền vững.
Các đơn vị trong Tập đoàn TKV thường xuyên duy trì tốt công tác bảo vệ môi trường, tập trung xử lý các vấn đề về chống bụi, ồn, rác thải công nghiệp, khai thác tối đa chuỗi giá trị gia tăng, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các đơn vị đầu tư mở rộng nâng công suất 6 trạm xử lý nước thải mỏ và kết hợp triển khai nghiên cứu thực hiện công tác tái chế nước thải mỏ thành nước sinh hoạt, nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Tiến Long, ở phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả cho biết: Trước đây, người dân khu phố thường xuyên phải hứng chịu bụi than từ các khai trường, bãi thải, nhất là vào mùa hanh khô, nhưng hiện nay ngành than đã đầu tư hệ thống băng tải, phun sương dập bụi cao áp, trồng cây xanh, vì vậy môi trường đã được cải thiện nhiều, giảm thiểu những tác động của môi trường đối với người dân.
Có thể thấy rõ những năm qua, cuộc cách mạng “ba hóa” là cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa đã góp phần thay đổi căn bản mô hình sản xuất than của ngành than, tạo động lực thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, đồng thời góp phần giải quyết từ gốc những tác động của khai thác than đến môi trường. Hiện nay, trên các khai trường mỏ lộ thiên, hệ thống xe ô-tô trọng tải lớn từ 90 đến 100 tấn được đầu tư ngày một nhiều, nhằm giảm lưu lượng xe trên đường mỏ, giảm bụi phát tán trong quá trình vận tải. Các thiết bị khoan, bốc xúc công suất lớn cũng được đầu tư để đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khai thác, tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế khí thải.
Đơn cử như Công ty cổ phần Than Đèo Nai hằng năm đầu tư gần 100 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, công ty đã đầu tư, đưa vào sử dụng 5 hệ thống phun sương dập bụi dạng quạt cao áp. Bên cạnh đó, công ty đã tổ chức trồng và duy trì chăm sóc gần 300ha cây xanh tại các bãi thải và đây được ví như “tường rào xanh” vững chắc, giúp công ty giảm bụi phát tán từ các bãi thải, bảo vệ môi trường khu vực dân cư.
Tại Công ty Than Hà Tu, toàn bộ lượng nước thải phát sinh tại moong khai thác của công ty đều được thu hồi về hai trạm xử lý nước thải của công ty để xử lý với tổng công suất 36.000m3/ngày, đêm. Nước thải sau khi xử lý xong được tận dụng lại để phục vụ sản xuất, lượng nước thải đã qua xử lý công ty không tận dụng hết thì xả ra môi trường. Trong năm 2022 và quý I/2023, công ty cũng đã thuê Công ty TNHH MTV Môi trường TKV xử lý hơn 9.300 tỷ m3 nước thải mỏ với tổng giá trị gần 31 tỷ đồng.
Quảng Ninh là bể than lớn của vùng Đông Bắc, với trữ lượng thăm dò xấp xỉ 4 tỷ tấn, trải dài từ Cẩm Phả, Hạ Long đến Uông Bí, Đông Triều. Trung bình mỗi năm, các mỏ than vùng Quảng Ninh cung cấp cho nền kinh tế hơn 40 triệu tấn than nguyên khai. Theo đó, mỗi năm, lượng đất đá thải bóc xúc từ các mỏ than lộ thiên vào khoảng 150 triệu m3. Trải qua hàng chục năm khai thác, hiện nay, lượng đất đá thải ở vùng Quảng Ninh đã lên đến hơn 1 tỷ m3. Khối lượng đất đá khổng lồ này đã chiếm dụng diện tích đổ thải rất lớn ở các địa phương, chủ yếu là thành phố Hạ Long và Cẩm Phả với khoảng 4.000ha và có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đời sống dân cư các khu vực giáp ranh khai trường mỏ lộ thiên. Cùng với đó, nước thải mỏ với trữ lượng bình quân mỗi năm khoảng 100 đến 250 triệu m3 cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước biển ven bờ, sông, suối, ảnh hưởng đến môi trường sinh thủy và hệ sinh thái biển cùng nguồn lợi thủy sản.
Các đơn vị trong Tập đoàn TKV đã đầu tư hệ thống phun sương dập bụi dạng quạt cao áp, xe tưới đường chuyên dụng, trồng cây hoàn nguyên môi trường, xử lý nước thải công nghiệp và chất thải nguy hại tại các khu vực sản xuất.
Ngành than chú trọng nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ. Đến nay, có 50 trạm xử lý nước thải, trong đó 47 trạm xử lý nước thải mỏ, 3 trạm xử lý nước thải công nghiệp. 100% nước thải được xử lý bảo đảm quy chuẩn môi trường trước khi xả ra môi trường. Các trạm đều được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, các thông số kỹ thuật được truyền về Trung tâm quan trắc môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh để giám sát, quản lý.
Có nhiều trạm xử lý nước thải mỏ đã được đầu tư hiện đại như Trạm xử lý nước thải của Công ty Than Hà Tu có công suất 300m3/giờ, vận hành theo công nghệ hiện đại dưới sự nghiên cứu, tư vấn của các chuyên gia Hiệp hội Nghiên cứu mỏ và môi trường Đức.
Hiện ngành than đã đầu tư, nâng công suất các trạm xử lý nước thải mỏ gồm Mông Dương, Núi Nhện, Ðồng Vông, Mạo Khê và đầu tư mới trạm Núi Hồng. Riêng Trạm xử lý nước thải Mạo Khê công suất 1.200m3/giờ đã được TKV đầu tư hơn 50 tỷ đồng nâng công suất lên 2.400m3/giờ. Khi hoàn thành, đây là một trong những trạm có công suất xử lý nước thải lớn nhất ngành than hiện nay.
Việc đầu tư thiết bị khai thác hầm lò hiện đại, đồng bộ của Công ty Than Vàng Danh đã góp phần giảm tác động từ việc khai thác than ra môi trường. |