Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa, giông, hầu hết các địa phương đều bị ảnh hưởng, thiệt hại. Riêng khu vực ngoại thành, tính đến chiều ngày 9/9 có 2.243ha lúa, 1.250ha rau màu, 1.185ha cây ăn quả, hoa, cây hàng năm và 257ha thủy sản bị úng ngập. Ngoài ra, có hàng chục nghìn ha lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây hàng năm, thủy sản bị gãy, đổ, dập nát và bị ảnh hưởng.
Với diện tích úng ngập lớn, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các công ty thủy lợi tăng cường triển khai vận hành các trạm bơm tiêu, phòng, chống úng, ngập ngoại thành. Đến sáng ngày 9/9, toàn thành phố đã vận hành 203 trạm bơm tiêu với 776 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 1.349.580m3/h.
Ngành cũng đã huy động lực lượng khơi thông, tua vớt rác, bơm hút nước giải toả các điểm úng ngập cục bộ; duy trì ứng trực 100% quân số từ chiều ngày 6/9 với khoảng 2.400 người, 323 phương tiện, 139 thiết bị bơm hút chống ngập, tổ chức vận hành các trạm bơm, hệ thống tiêu, đến sáng 8/9 đã giải quyết xong các điểm úng ngập.
Về phương án phục hồi sản xuất nông nghiệp trong những ngày tới, ngành nông nghiệp đã có văn bản khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các giải pháp phục hồi.
Cụ thể, về cây lúa, khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu úng, khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên đồng ruộng đối với những diện tích bị ngập.
Trong đó, với trà lúa sớm, có khoảng 6.983ha đang giai đoạn chín sáp, dự kiến cho thu hoạch từ ngày 10 – 15/9, tiến hành thu hoạch nhanh gọn, không để hạt lúa ngâm nước lâu ngày, tránh nảy mầm.
Đối với trà lúa trung và muộn đang giai đoạn trỗ và chắc xanh, chưa đến thời kỳ thu hoạch (dự kiến cho thu hoạch từ ngày 20/9 đến ngày 5/10) bị đổ do mưa, giông, hướng dẫn nông dân khẩn trương dựng lúa, cột thành từng bó để chống đổ và giữ mực nước 5-7cm để lúa trỗ bông, làm hạt được tốt và bảo đảm công tác bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, cần chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại, như: bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, rầy nâu…
Đối với cây rau màu sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, xới xáo phá váng ngay, khi cây trồng hồi phục mới tiến hành các biện pháp chăm sóc theo quy trình của từng cây. Tiến hành phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh chóng phục hồi; khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất, tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK….
Đối với cây ăn quả, những vườn cây đã rút nước cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây), giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.
Thường xuyên theo dõi vườn cây, nhất là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi bộ rễ cây đã phục hồi, mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá, hạn chế sử dung phân bón hóa học để tăng khả năng phục hồi của cây.
Đối với những diện tích thiệt hại hơn 70%, chúng tôi chỉ đạo các địa phương vận động nông dân tiến hành dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị cho cây vụ Đông; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống để phục vụ sản xuất cây trồng vụ Đông.
Theo kế hoạch, vụ Đông năm nay, toàn TP gieo trồng 29.000ha. Song, để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị tăng diện tích gieo trồng cây vụ Đông lên 36.000ha; trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển cây khoai tây gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nganh-nong-nghiep-ha-noi-tap-trung-khoi-phuc-san-xuat.html