Hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội phát triển. Ảnh: Cẩm Trúc
Hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Hồng, ở ấp Đông Thành, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, từ là hộ kinh doanh cá thể, bà nhận được sự quan tâm của UBND huyện và các phòng chuyên môn của huyện Mỏ Cày Bắc tư vấn và cung cấp nhiều thông tin về mô hình của DN. Ngày 31-10-2022, bà Hồng mạnh dạn chuyển đổi lên DN, với tên gọi Công ty TNHH Dừa Thiên Hồng Phát.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, khi chuyển đổi lên DN đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chi phí thành lập và công bố thông tin của DN, cung cấp phần mềm hỗ trợ kê khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá thương hiệu; hợp đồng bao tiêu với nông dân; hợp đồng xuất khẩu; vay vốn ngân hàng lãi suất ưu đãi với mức vay cao hơn, theo yêu cầu dự án đầu tư mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường. Ngoài miễn lệ phí môn bài 3 năm đầu thành lập, trong suốt quá trình kinh doanh của DN, thuế giá trị gia tăng đầu ra được trừ cho thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu có chênh lệch dương thì nộp cho ngân sách nhà nước, nếu chênh lệch âm thì được khấu trừ vào kỳ thuế tiếp theo. Các khoản chi phí phát sinh được đưa vào chi phí khi quyết toán thuế thu nhập DN. Ngoài ra, DN rất thuận lợi trong công tác khai thuế và nộp thuế, với cơ chế tự tính thuế, tự khai thuế và tự nộp thuế nên làm chủ được nguồn tài chính của mình.
Bà Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, thời gian đầu chuyển lên DN còn nhiều khó khăn do chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh. Rồi từng bước, DN đã đi vào nền nếp. Công tác quản lý kinh doanh bài bản và hiệu quả hơn trước, thị trường tiêu thụ hàng hóa ngày càng được mở rộng và ổn định.
“Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ hộ kinh doanh cá thể lên DN không khó khăn và đáng lo ngại như các hộ kinh doanh từng nghĩ. Chỉ có chuyển đổi lên DN thì mới được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, hỗ trợ, tiếp cận vốn, khoa học và công nghệ, đào tạo lao động, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường… mà chỉ có đối tượng là DN mới được hưởng. Trong thời gian qua, chính vì chưa nắm bắt, chưa hiểu hết những chính sách ưu đãi này nên hộ kinh doanh đã chịu thiệt thòi hơn so với các DN”, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị phát triển DN năm 2023 do Hội đồng Tư vấn KN và phát triển DN phối hợp với UBND huyện Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách tổ chức mới đây, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Minh Đức cho rằng, thực tế đã khẳng định, chỉ có thành lập DN, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, hướng đến xây dựng thương hiệu, năng động trong hội nhập thì mới có thể tồn tại và phát triển. Bên cạnh sự nỗ lực, phấn đấu của từng hộ kinh doanh, để đứng vững, phát triển thì cần có sự quan tâm, hỗ trợ và đồng hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhằm hỗ trợ tốt nhất để từng hộ kinh doanh khi chuyển lên DN phát triển, lớn mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bến Tre (NHNN tỉnh) Bùi Thị Thúy Hằng cho biết: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ – ngân hàng trên địa bàn, NHNN tỉnh luôn theo dõi sát sao về hoạt động tín dụng DN trong tỉnh thông qua chế độ thông tin báo cáo định kỳ; tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng – DN để kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý các khó khăn, vướng mắc; chủ động và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để kịp thời nắm bắt thông tin về chủ trương phát triển của tỉnh, giới thiệu các dự án KN để ngân hàng tiếp cận, thẩm định và cho vay khi đủ điều kiện. Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng cũng như tham gia các buổi đối thoại, gặp gỡ DN tại địa phương, thường xuyên trao đổi, làm việc với khách hàng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình quan hệ tín dụng. Trong 3 năm trở lại đây, các ngân hàng đã cho vay gần 55 ngàn tỷ đồng đối với DN (chiếm 30% tổng doanh số cho vay toàn ngành trên địa bàn trong cùng giai đoạn). Đến cuối tháng 6-2023, dư nợ DN đạt khoảng 13.800 tỷ đồng, chiếm 24% tổng dư nợ toàn ngành, trong đó dư nợ cho vay của các DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh trong giai đoạn này 75 tỷ đồng, với 8 DN còn dư nợ.
Một số chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi dành cho DN đang được ngành ngân hàng trên địa bàn áp dụng hiện nay như: Ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm. Các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có thể được tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo lên tới 70 – 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Được xem xét áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tối đa 4%/năm (đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), tối đa 5%/năm (đối với Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) khi sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực ưu tiên kèm với điều kiện có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. DN có nhu cầu vay để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể được các ngân hàng xem xét cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5 – 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 (triển khai trong 2 năm 2022, 2023)…
Ưu đãi về cơ chế xử lý khoản nợ vay khi khách hàng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đúng hạn: Được TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ khi xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ (theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP). Được TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng (theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23-4-2023). Đến tháng 6-2023, trên địa bàn tỉnh, có 15 khách hàng (2 khách hàng DN và 13 khách hàng cá nhân) được cơ cấu nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, dư nợ được cơ cấu 39,898 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị phát triển DN năm 2023 do Hội đồng Tư vấn KN và Phát triển DN phối hợp với UBND huyện Mỏ Cày Bắc và UBND huyện Chợ Lách tổ chức, Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Phạm Thanh Truyền cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Lãnh đạo huyện mong muốn các DN và đội ngũ doanh nhân quan tâm, nỗ lực phấn đấu, nêu cao đạo đức kinh doanh, phát huy quyền làm chủ và thực hiện nghĩa vụ của DN theo quy định của pháp luật. DN cần có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho quê hương, đất nước.
“DN là khu vực chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động, thúc đẩy phát triển và ổn định kinh tế – xã hội. Trong đó, DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh có lợi thế về kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, có đầu vào và đầu ra ổn định. Ngành ngân hàng ủng hộ và cam kết luôn đồng hành cùng tỉnh, cộng đồng DN trên địa bàn trong việc cung ứng vốn, không để thiếu vốn cho các mục đích hợp pháp, hợp lý của DN. Đồng thời, tăng cường đối thoại, chia sẻ, hỗ trợ khi DN gặp khó khăn một cách có trách nhiệm và kịp thời”.
(Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bến Tre Bùi Thị Thúy Hằng)
|
Trần Quốc