Giảm phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050 không thuần túy tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo mà cần phải tăng hiệu suất năng lượng.
Ngành Năng lượng Việt Nam với bài toán giảm phát thải ròng bằng ‘0’ |
Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có một tuyên bố quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050 thông qua sử dụng các nguồn lực trong nước và hợp tác quốc tế.
Để đảm bảo an ninh năng lượng bền vững và kết quả kinh tế khả quan, một quy trình phân tích toàn diện và đa dạng đóng vai trò quan trọng.
Như một phần trong nỗ lực này, Hiệp hội Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á (ETP/UNOPS) đang triển khai “Nghiên cứu Chẩn đoán Kịch bản Net-Zero cho Ngành Năng lượng Việt Nam” nhằm tiến hành đánh giá kịch bản toàn diện về quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng của Việt Nam hướng tới Net-Zero vào năm 2050. E4SMA – ITALY, VIETSTAR – VIỆT NAM và EML – ĐAN MẠCH là các đơn vị tư vấn phụ trách triển khai dự án trên.
Trong tiến trình dự án, một hội thảo tham vấn về dữ liệu và giả định đã được tổ chức vào ngày 9/5/2023 tại Hà Nội, Việt Nam với sự tham dự của các đối tác thực hiện nhằm mục đích thông tin về dữ liệu và giả định chính sẽ được sử dụng trong phân tích của kịch bản Net-zero, thu thập thêm thông tin đầu vào về dữ liệu và giả định từ các bên liên quan và tổng hợp các quan điểm/ý kiến về các phân tích độ nhạy sẽ được thực hiện trong nghiên cứu.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Hội thảo có sự tham dự của các đại diện từ Bộ Công Thương (MOIT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), các cơ quan hợp tác quốc tế và các bên liên quan chính trong lĩnh vực năng lượng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Ông John Cotton – Giám đốc chương trình cấp cao tại ETP/UNOPS nhấn mạnh nghiên cứu về Net-zero được triển khai dựa trên nghiên cứu thực chứng, áp dụng phương pháp phân tích định lượng để đạt được mức phát thải ròng bằng không.
Tại hội thảo này, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng trao đổi thông tin và đóng góp các ý kiến về các giả định cho dự án.
Đầu tiên, ông Maurizo Gargiulo – Trưởng dự án đến từ E4SMA cho biết: “Các biện pháp giảm thiểu về công nghệ như điện khí hóa, nhiên liệu tổng hợp, hiệu quả năng lượng, thu giữ carbon và thậm chí loại bỏ CO2 trực tiếp khỏi khí quyển đều có thể thực hiện được.”
Ông Rasmus Munch Sørensen – Đại diện từ Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam-Đan Mạch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường điện và cho rằng cần phân tích về những yếu tố bất ổn như khả năng hấp thụ của năng lượng tái tạo.
Theo ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), các biện pháp trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) không phải là biện pháp bắt buộc phải tuân theo mà là các biện pháp gợi ý để các doanh nghiệp/cơ quan tham khảo, cân nhắc thực hiện nên nếu Nghiên cứu có đề xuất tốt hơn thì cũng sẽ rất có giá trị.
Ông Phạm Hoàng Lương – Trưởng dự án trong nước đã đánh giá cao ý kiến góp ý của các chuyên gia tư vấn quốc tế, trong nước và các bên hữu quan về số liệu giả định dự kiến sẽ được sử dụng để phân tích trong các kịch bản. Ông nói: “Chúng ta cũng đã theo sát được và thực hiện đúng mong muốn của dự án là tất cả các giả định, thông số có được bổ sung, góp ý, chỉnh sửa từ phía đại diện các cơ quan tổ chức quốc tế, cũng như các bên liên quan để làm cho số liệu giả định vừa bảo đảm tính cập nhật, vừa bảo đảm tính khả thi”.
Tại Hội thảo, các bên liên quan đã thảo luận tích cực và hiệu quả về nghiên cứu net-zero, chú trọng đến các khía cạnh kinh tế xã hội và các công nghệ hiện có. Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp và ETP sẽ tiến hành nghiên cứu sâu hơn về kịch bản Net-Zero dựa trên những nhận xét và ý kiến đóng góp giá trị thu thập được từ hội thảo.
Hội thảo tham vấn tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6/2023.
“Trong các giai đoạn tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ và góp ý từ các Bộ/Ban/Ngành cùng các cơ quan liên quan để việc nghiên cứu, thực hiện dự án hiệu quả, đúng tiến độ”- bà Phạm Thu Hằng, CEO VietStar, Ban quản lý dự án cho biết.
Dự án “Nghiên cứu chẩn đoán các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng Việt Nam” được tài trợ bởi Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á (ETP) sẽ đánh giá quá trình chuyển đổi của ngành Năng lượng Việt Nam hướng đến phát thải ròng bằng “0” (Net-zero) vào năm 2050. Nghiên cứu được thực hiện bởi các tổ chức tư vấn: E4SMA (Italy) – với chuyên môn về mô hình năng lượng và biến đổi khí hậu cho việc ra quyết định, Energy Modeling Lab (Đan Mạch) và VietStar Training & Consulting (Việt Nam) với vai trò gắn kết các bên liên quan và sự am hiểu trong nước. |