Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Năm 2023 khép lại, ngành lúa gạo ghi nhận những kỷ lục về cả sản lượng và giá bán. Người nông dân phấn khởi vì được mùa được giá, ông có thể chia sẻ về việc này?
Sản xuất lúa gạo năm 2023 được đánh giá là một năm vừa được mùa, vừa được giá. Diện tích gieo trồng ước tính 7,1 triệu ha, sản lượng đạt 4,3 triệu tấn.
Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt nhiều kỷ lục |
Đặc biệt, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, cùng với các chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong công tác vừa nắm bắt cơ hội thị trường, vừa đảm bảo an ninh lương thực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo tăng diện tích gieo trồng lên 60.000ha lúa Thu Đông nên hoạt động xuất khẩu gạo được duy trì.
Có thể nói, ngành lúa gạo năm nay đã tranh thủ được cơ hội thị trường, biến thời cơ thành thu nhập của người nông dân trồng lúa và lợi nhuận cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Gạo xuất khẩu năm 2023 có thể đạt con số gần 8 triệu tấn và trên 4 tỷ USD. Đây là một con số kỷ lục.
Để giữ được đà cho xuất khẩu gạo năm tới, theo ông, đâu là yếu tố quan trọng?
Những kết quả được ghi nhận năm 2023 mới chỉ là bước đầu. Vấn đề quan trọng đó là duy trì và phát triển chuỗi lúa gạo để đảm bảo thu nhập của người dân, doanh nghiệp ổn định về lâu, về dài.
Ngày 16/1/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”.
Ngày 27/11/2023 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) (ảnh Nguyễn Hạnh) |
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, đây là vùng có lợi thế nhất trong sản xuất lúa ở nước ta, đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu. Sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa ở phân khúc gạo chất lượng cao.
Việc ban hành Đề án mới là khởi đầu. Để thực hiện được Đề án thì chắc chắn phải có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành, địa phương và các Hiệp hội, ngành hàng.
Khi thực hiện được Đề án, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành vùng chuyên canh xuất khẩu, gia tăng chuỗi giá trị lúa gạo. Ngoài hạt gạo xuất khẩu, chúng ta còn khai thác đa giá trị của chuỗi giá trị này.
Ví dụ như rơm rạ sẽ khai thác tuần hoàn, tránh tình trạng đốt, vùi lấp. Song song với đó, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào ngành. Đây sẽ là trung tâm, đầu mối để thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo.
Cùng với đó, việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng cạnh tranh, tiết kiệm vật tư, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Trong đó, việc thí điểm trao đổi các bon, ngoài phần định lượng đóng góp ngành sản xuất lúa gạo trong việc giảm phát thải khí nhà kính thì cũng tạo ra nguồn thu nhất định cho doanh nghiệp, người dân tham gia.
Song song với việc này, nhà nước cần đầu tư bài bản, hệ thống cơ sở hạ tầng, thủy lợi, logistics,… từ đó nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, giảm phát thải khí nhà kinh, tạo sự ổn định bền vững cho các nhân tố trong toàn chuỗi.
Giá lúa tăng, bà con trồng lúa tại Đồng Tháp chia sẻ sẽ chuyển từ trồng giống lúa nếp sang trồng giống lúa tẻ, ông có lo ngại gì về việc này?
Việc xây dựng cơ cấu giống lúa cần căn cứ trên cơ sở của nhu cầu thị trường chứ không có một kế hoạch sản xuất cứng. Đối với lúa xuất khẩu, để chuyển sang phân khúc thị trường giá trị cao, cần có các giống lúa thơm, giống chất lượng cao theo thị hiếu từng thị trường (hạt dài hoặc hạt tròn). Đối với lúa tiêu thụ nội địa cần phát huy các giống địa phương đặc sản, lúa nếp địa phương.
Vấn đề thị trường, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá lúa gạo có thể không cao được bằng năm 2023 nhưng có thể giữ được ở mức cao trong năm 2024 – 2025. Do đó, việc điều chỉnh của bà con về giống lúa như thế này cũng là bình thường
Với lúa gạo, cứ 3 tháng chúng ta có 1 vụ thu hoạch. Do vậy, từ nhu cầu thị trường, chúng ta sẽ có sự thay đổi về loại gạo chế biến, gạo thơm, gạo đặc sản hay gạo nếp. Trên cơ sở này Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với các địa phương để điều chỉnh kịp thời cơ cấu giống lúa cho phù hợp, đảm bảo thích ứng với yêu cầu của thị trường.
Dự báo, Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo, nguồn cung gạo Campuchia dự báo sẽ thiếu hụt trong quý I/2024, việc này tác động ra sao đến xuất khẩu gạo của Việt Nam, thưa ông?
Việt Nam mỗi năm xuất khẩu từ 6,5 – 8 triệu tấn, đứng thứ 2 hoặc thứ 3 trong Top các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Ấn Độ chiếm 40% lượng hàng gạo xuất khẩu của thế giới. Bất kỳ động thái nào của Ấn Độ đều có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến thị trường lúa gạo Việt Nam.
Với Campuchia, lượng xuất khẩu gạo của thị trường này chỉ trên dưới 1 triệu tấn, đây cũng là 1 trong những nước xuất khẩu gạo, việc điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu của Campuchia sẽ có tác động nhưng tác động của nó sẽ không lớn như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan.
Ông có dự báo gì về kim ngạch, sản lượng xuất khẩu gạo năm 2024?
Kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2024 có điều chỉnh 1 chút, chúng ta chỉ gieo trồng 7,1ha lúa, diện tích có giảm đôi chút nhưng Việt Nam phấn đấu sản lượng lúa vẫn thu hoạch đạt trên 43 triệu tấn.
Vụ Đông Xuân năm nay, chúng ta cũng chịu ảnh hưởng của El Nino nhưng ta đã có kinh nghiệm và rất chủ động trong việc ứng phó để giảm thiệt hại.
Chúng ta có hệ thống tưới tiêu tốt, bên cạnh đó, chúng ta có bộ giống rất tốt, chất lượng cao, ngắn ngày. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương trong điều chỉnh thời vụ gieo trồng vụ Đông Xuân để giảm thiểu những tác động của El Nino đến sản xuất lúa gạo.
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới được dự báo vẫn ở mức cao trong 2024 – 2025 đây là những thuận lợi cho sản xuất lúa gạo của Việt Nam.
Năm 2023, xuất khẩu gạo ước đạt khoảng 8 triệu tấn. Bước sang năm 2024, nếu tình hình thuận lợi, kế hoạch sản xuất được đảm bảo, những tác động của hiện tượng El Nino được giảm thiểu thấp nhất, không xảy ra dịch bệnh, thiên tai trên quy mô lớn thì chúng ta cũng sẽ đạt được con số xuất khẩu từ 7,5 – 8 triệu tấn gạo.
Xin cám ơn ông!