Logistics tại Việt Nam là một trong những ngành phát triển mạnh khi nước ta tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Điều này cũng mở ra cho sinh viên nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi trường.
Dưới đây là một số trường đại học tuyển sinh, đào tạo ngành Logistics, bạn có thể tham khảo và cân nhắc lựa chọn.
Trường Đại học Thương Mại
Thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của trường Đại học Thương mại. Năm 2023, nhà trường tuyển sinh 150 chỉ tiêu dành cho ngành học này.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,8 điểm (A00; A01; D01; D07). Trong khi đó, phương thức học bạ lấy 27,5 điểm (A00; A01; D01; D07).
Học phí năm học 2023 – 2024, trường Đại học Thương mại quy định đối với ngành học này là 23 – 25 triệu đồng.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Năm 2023, trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng của trường.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 27,4 điểm (A00; A01; D01; D07).
Năm học 2023 – 2024, nhà trường dự kiến mức học phí dao động từ 16 – 22 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí tối đa 10% cho từng năm học.
Trường Đại học Hàng hải
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng) hiện đang đào tạo hai ngành học liên quan đến Logistics: Logistics & chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế & Logistics. Năm 2023, nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp; xét tuyển thẳng.
Với phương thức tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn của ngành Kinh doanh quốc tế & Logistics lấy 23 điểm (A01; D01; D07; D15), Logistics & chuỗi cung ứng lấy 25,75 điểm (A00; A01; C01; D01).
Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM
Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM đang đào tạo 4 ngành học liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, bao gồm: Logistics và hạ tầng giao thông, Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức, Quản lý cảng và logistics.
Năm 2023, trường tuyển sinh theo 5 phương thức: Xét kết quả học tập THPT; xét tuyển thẳng theo quy chế của trường; xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với phương thức xét điểm thi THPT, những ngành trên lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển dao động từ 17,5 đến 25,65. Trong đó, ngành Logistics và hạ tầng giao thông chương trình chất lượng cao có điểm chuẩn thấp nhất, ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức chương trình đại trà lấy điểm chuẩn cao nhất.
Đại học Kinh tế TP.HCM
Đại học Kinh tế TP.HCM hiện đang đào tạo hai ngành học liên quan đến Logistics: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ Logistics.
Năm 2023, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 27 điểm (A00; A01; D01; D07) và ngành Công nghệ Logistics lấy 26,09 điểm (A00; A01; D01; D07).
Ngoài xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, hai ngành học này còn tuyển sinh theo 5 phương thức khác: xét tuyển thẳng, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế, xét học sinh Giỏi, xét quá trình học tập theo tổ hợp môn.
Năm học 2023 – 2024, nhà trường quy định mức học phí là 940 nghìn đồng/tín chỉ.
Ngoài ra, nhiều trường đại học top đầu đào tạo ngành Logistic phải kể đến như: trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội), Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải Hà Nội, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng)…
Anh Anh(Tổng hợp)