Logistics là một trong những ngành dịch vụ quan trọng của bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới. Trong những năm gần đây, ngành logistics ở Việt Nam đã phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Tiềm năng lớn
Theo bảng xếp hạng về chỉ số thị trường mới nổi của Nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility, hiện nay, Việt Nam thuộc Top 10/50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Trong số đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu tại diễn đàn về logistics tại TP. Hồ Chí Minh hồi giữa tháng 12, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương, cho biết với vị trí đặc biệt nằm khu vực phát triển năng động thế giới, là nơi tập trung nguồn hàng, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và phát triển dịch vụ logistics.
Cùng quan điểm đó, phát biểu tại Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) ở Brussels (Bỉ) hồi tháng 10/2023, ông Anis Khan, Giám đốc điều hành của công ty Intrapass GmbH, có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết năm ngoái, ông đã tới Việt Nam và nhận thấy những tiềm năng to lớn của ngành logistics ở đất nước này. Đặc biệt, Chính phủ rất quan tâm và hỗ trợ cho ngành logistics. Đây chính là những thuận lợi để Việt Nam phát triển mạnh ngành dịch vụ này.
Trong khi đó, ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành của SLP Việt Nam – một doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực logistics, nhấn mạnh với vị trí chiến lược, Việt Nam là một trung tâm trung chuyển nổi bật ở châu Á. Tận dụng lợi thế này, các doanh nghiệp có thể giảm đáng kể chi phí logistics. Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư FDI và các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL) toàn cầu.
Thách thức không nhỏ
Dựa trên những tiềm năng và lợi thế trên, thời gian qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 35.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có khoảng 5.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI) và nằm trong top 5 nước đứng đầu ASEAN về chỉ số này. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14 – 16%, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Mặc dù vậy, theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 – 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới. Trong khi đó, hạ tầng logistics trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối… Điều đó gây cản trở việc nâng cao tính cạnh tranh của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA chia sẻ, sự liên kết giữa các phương thức vận tải vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do năng lực vận tải thủy còn thấp qua việc vận tải đường thủy nội địa chỉ chiếm tỷ lệ 21,6%; vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 73%. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển qua hình thức vận tải đường biển chỉ chiếm 5,2%, đường sắt 0,2% và đường hàng không 0,01%. Qua đó, làm cho chi phí logistics tăng cao, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Liên quan tới mạng lưới logistics nội địa, ông Trương Nguyên Linh, Phó Tổng Giám đốc Cảng container Quốc tế Việt Nam (VICT), cho biết khó khăn của hoạt động vận chuyển hàng hoá hiện nay là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ và đường thuỷ nội địa kết nối với cảng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cụ thể, các tuyến đường bộ kết nối vào cảng ở nhiều thời điểm bị quá tải, kẹt xe, ảnh hưởng đến lộ trình và chi phí cho doanh nghiệp. Các luồng lạch đường thuỷ kết nối từ cảng ra biển cũng chưa đáp ứng được nhu cầu qua lại của các tàu lớn.
Đối với hệ thống đường sắt, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt Ratraco, cho biết ưu thế của vận chuyển đường sắt là tiết kiệm chi phí hơn vận chuyển đường bộ và nhanh hơn đường thủy. Tuy nhiên, loại hình này ở Việt Nam đang bị hạn chế bởi điều kiện hạ tầng. Việt Nam hiện có tổng cộng hơn 3.000 km đường sắt trải dài từ Nam ra Bắc; trong đó, chỉ có 15% chiều dài có đường ray đạt chuẩn quốc tế (rộng 1,435m) cho phép vận chuyển hàng hoá nhanh hơn. Với phần lớn chiều dài đường sắt hẹp, vận tốc vận chuyển tối đa chỉ đạt 80km/giờ, trong khi đường sắt quốc tế có thể đạt vận tốc 160 km/giờ. Đơn cử như việc vận chuyển hàng từ ga Tp. Hồ Chí Minh hoặc Đồng Nai ra Hà Nội để tiếp cận hệ thống đường sắt quốc tế đã mất đến 4 ngày. Vì vậy, số lượng hàng hoá được vận chuyển bằng đường sắt trong nội địa Việt Nam và kết nối với thị trường xuất khẩu đều rất ít so với rất nhiều quốc gia khác.
Mặt khác, báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy cùng với sự cải thiện của các yếu tố về hạ tầng, hải quan và gửi hàng quốc tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế ở các yếu tố về năng lực của nhà cung ứng dịch vụ logistics thể hiện ở các chỉ số chất lượng dịch vụ logistics, tính đúng giờ và khả năng theo dõi hàng hóa. Chuyển đổi số của hầu hết doanh nghiệp logistic vẫn ở trong giai đoạn đầu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, bất ổn địa chính trị gia tăng trên thế giới trong khi các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng và biến động phức tạp, ngành logistics thế giới nói chung và ngành logistics Việt Nam nói riêng đang gặp không ít khó khăn.
Theo ông Chandler So, thiên tai, căng thẳng địa chính trị, tranh chấp thương mại hay đại dịch có thể tạo ra những thách thức lớn cho ngành logistics dẫn đến sự chậm trễ, tăng chi phí và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên phức tạp hơn với sự tham gia của nhiều bên liên quan và mạng lưới kết nối với nhau. Sự phức tạp này đặt ra những thách thức về sự phối hợp, khả năng quản lý rủi ro của các doanh nghiệp logistics.
Ông Chandler So nhận định nhu cầu tiêu dùng biến động liên tục đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần phải phản ứng nhanh. Đáp ứng các mô hình nhu cầu thay đổi trong khi vẫn duy trì hiệu quả là một thách thức đáng kể./.
Hoàng Hà