Năm 2024, ngành khoáng sản, luyện kim đã giữ vững tăng trưởng một số loại sản phẩm khai thác, chế biến khoáng sản mang tính chiến lược.
Giá khoáng sản phục hồi trở lại
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năm 2024, ngành khai khoáng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành cũng có một số thuận lợi vì giá khoáng sản phục hồi trở lại như giá quặng sắt, alumin… Vì vậy, ngành đã giữ vững tăng trưởng một số loại sản phẩm khai thác, chế biến khoáng sản mang tính chiến lược. Cụ thể, sản phẩm Alumina, dự kiến cả năm 2024 sản lượng đạt 1,4 triệu tấn (đạt 100% công suất thiết kế)…
Đến năm 2030, khai thác, chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến. Ảnh: TT |
Riêng với ngành luyện kim (đặc biệt ngành thép), năm 2024, tình hình thế giới có nhiều biến động, đó là ảnh hưởng cuộc xung đột giữa Nga – Uraina. Tại Trung Quốc – nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ảm đạm, các nhà máy đã giảm công suất sản xuất, lượng tồn kho sản phẩm thép tại Trung Quốc ở mức cao. Do giá khí tại các nước EU tăng cao nên một số nhà máy sản xuất thép tại châu Âu tạm dừng sản xuất. Dự báo, năm 2025, sản xuất thép toàn thế giới có xu hướng tăng trở lại, dự báo sẽ tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024.
“Ngành thép trong nước, sản xuất, kinh doanh thép tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2024, tiêu thụ nội địa dự báo hồi phục nhờ bất động sản nhà ở và sự gia tăng số lượng dự án mới được cấp phép. Sản lượng thép thô dự kiến đạt 24 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2023; thép cán tấm nóng dự kiến đạt 7,2 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023; thép xây dựng dự kiến đạt 12,7 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023”- báo cáo nêu.
Nói về ngành khai thác, chế biến khoáng sản, theo Cục Công nghiệp, lĩnh vực này tăng trưởng chưa đảm bảo sự bền vững, năng suất lao động thấp, tổn thất tài nguyên còn ở mức cao, khai thác và chế biến chưa có sự liên kết để đảm bảo cân đối cung-cầu. Công nghệ còn ở mức thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, chưa có các chính sách để quản lý các hoạt động kinh doanh, chế biến khoáng sản để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.
Bên cạnh một số nhà máy thép hiện đại mới được xây dựng và đưa vào hoạt động (thép Fomosa, thép Hòa Phát Dung Quất), năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam hiện nay khá thấp so với khu vực cũng như thế giới. Nguyên nhân là do các nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và nguy cơ tiềm ẩn về môi trường; các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép như than cốc, quặng sắt, thép phế liệu.
Năm 2025, tập trung giải pháp cho ngành khoáng sản, luyện kim
Cục Công nghiệp dự báo, năm 2025 và nhưng những năm tiếp theo thị trường kim loại và khoáng sản có nhiều biến động do diễn biễn thị trường thế giới.
Liên quan đến Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được ban hành và đi vào hoạt động trong năm 2024, là cơ sở để các Dự án khai thác và chế biến khoáng sản triển khai thực hiện, góp phần vào tăng trưởng GDP và phục vụ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như thực hiện đúng tiến độ lập Quy hoạch theo kế hoạch đã đề ra.
Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, Quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về quy hoạch khoáng sản mà còn mở ra không gian phát triển mới cho ngành khai khoáng, chế biến khoáng sản Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn, bền vững hơn, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp của Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Thực hiện thành công các mục tiêu trên, ngành khai khoáng, chế biến khoáng sản sẽ từng bước trở thành ngành công nghiệp nền tảng, cung cấp nguyên vật liệu quan trọng không thể thiếu để phát triển các ngành công nghiệp khác (ngành điện, hoá chất, chế tạo máy, giao thông vận tải, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp xây dựng…) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đối với ngành luyện kim, đặc biệt là ngành thép, năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của WTO và các hiệp định đã ký như FTA, EVFTA, CPTPP đã ký kết để bảo vệ ngành thép Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành thép giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được lấy ý kiến đóng góp, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành thép bình quân hàng năm từ 5-7%; tiêu thụ từ 270-280 kg/người/năm; công suất sản xuất thép của các nhà máy luyện kim trong nước tăng lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đạt từ 40 – 45 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Giai đoạn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng ngành thép bình quân hàng năm xấp xỉ 5%; tiêu thụ 360 – 370 kg/người/năm; sản lượng thép của Việt Nam vào năm 2050 đạt từ 65 – 70 triệu tấn.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, để Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai nhanh, hiệu quả, nên tăng cường nghiên cứu và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tiếp tục rà soát và bổ sung các quy định pháp luật về khoáng sản, đặc biệt là các chính sách liên quan đến khai thác và chế biến khoáng sản chiến lược, như bô-xít, titan, đất hiếm, niken… Đảm bảo rằng, chính sách pháp luật hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc phát triển dự án khai thác, chế biến khoáng sản, đồng thời bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản. Cải thiện quy hoạch và quản lý đất đai. |
Nguồn: https://congthuong.vn/nganh-khoang-san-luyen-kim-giu-vung-tang-truong-trong-nam-2024-367257.html