Ngành khoa học dữ liệu: Lương cao, sẵn việc nhưng khó… tuyển sinh
Ðược đánh giá nhu cầu tuyển dụng cao, sinh viên ra trường sẵn việc, lương cao, nhưng tuyển sinh ngành đào tạo khoa học dữ liệu vẫn chưa thu hút người học.
Học sinh sợ học toán, ngại lập trình
Tại hội thảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành khoa học dữ liệu, được Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức cuối tuần qua, PGS.TS Lê Công Trình, Trưởng khoa Toán và Thống kê cho biết năm 2019, Trường ĐH Quy Nhơn mở chuyên ngành đào tạo hệ đại học chính quy về khoa học dữ liệu, trong ngành Toán ứng dụng thuộc khoa Toán và Thống kê. Đến năm 2022, khoa học dữ liệu trở thành ngành trực thuộc khoa. Khóa đầu tiên của khoa học dữ liệu có 16 sinh viên, đến năm 2020 tăng lên 36 sinh viên, năm 2021 tuyển được 32 sinh viên và năm 2022 chỉ có 31 sinh viên.
Khoa Toán và Thống kê (Trường ĐH Quy Nhơn) tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: QNU |
Cùng với đó, năm 2020, hệ đào tạo cao học (thạc sĩ) ngành khoa học dữ liệu cũng ra đời; với tài trợ lớn từ VinIF. Thậm chí đào tạo ngành thạc sĩ thì nguồn tuyển học viên đầu vào rất mở, đa dạng ngành. Nhưng đến nay đã qua 3 khóa tuyển sinh nhưng số lượng tuyển được rất ít. Khóa đầu tiên tuyển được 12 học viên, năm thứ hai tuyển được 18 học viên và năm vừa rồi chỉ được 12 học viên – quá ít so với kỳ vọng và nhu cầu đào tạo.
Ông Trình lý giải, đây là ngành học mới đối với học sinh khu vực miền Trung, thông tin về ngành nghề, đầu ra đến học sinh chưa phổ biến rộng rãi. Nhà trường lại chưa có phương thức hiệu quả để thu hút học sinh xuất sắc của các trường phổ thông; đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm thực tế trong các dự án còn mỏng; khó thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo về Quy Nhơn và về trường.
Cùng quan điểm này, TS Lê Nhật Tân, Trường ĐH Fulbright Việt Nam – cựu sinh viên khoa Toán và Thống kê, Trường ĐH Quy Nhơn cho hay: “Tôi từng trải nghiệm qua nhiều môi trường từ giảng viên đại học đến phụ trách công tác phân tích dữ liệu của một số ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh. Với những trải nghiệm này, tôi thấy rằng ngành khoa học dữ liệu rất thiếu người. Có thời điểm khi tôi làm trưởng phòng phân tích dữ liệu của Ngân hàng Phương Đông, muốn tuyển nhân viên phân tích dữ liệu mà tuyển mãi không ra! Trong khi đó, rõ ràng khoa học dữ liệu có ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt phổ biến trong tài chính, kinh doanh với rất nhiều vị trí việc làm. Một trong những lý do khi tôi đứng giảng và làm công tác nhân sự đó là học viên rất sợ học toán, bởi chương trình thiết kế quá nặng, quá hàn lâm nên nhiều học viên thấy rằng quá khó, lại thiếu tính thực tiễn, ứng dụng”.
Cần điều chỉnh chương trình đào tạo và nhiều chính sách
TS Lê Nhật Tân nhấn mạnh chương trình đào tạo cần có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp hơn. Mặt khác, cần có sự phản hồi chương trình đào tạo từ phía DN, giảng viên, học viên để cập nhật thường xuyên và điều chỉnh kịp thời. Nhà trường cũng nên gửi bản đánh giá về chất lượng sinh viên sau khi ra trường cho đơn vị tuyển dụng để có đánh giá chương trình, chất lượng đào tạo. Một vấn đề hết sức quan trọng đó là cùng với kiến thức “lõi” khoa học dữ liệu, sinh viên cần được trang bị các kỹ năng mềm làm việc cho ngành này.
Theo ông Lê Công Trình, ngành khoa học dữ liệu có sự giao thoa giữa 3 lĩnh vực: Toán và thống kê, khoa học máy tính; các kiến thức nghiệp vụ liên quan chuyên ngành. Trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo cũng như vận hành chương trình, khoa trang bị kiến thức xung quanh 3 lĩnh vực này cho sinh viên, học viên. “Giải pháp thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với DN trong nâng cao chất lượng đào tạo, cam kết tuyển dụng, cam kết đầu ra, tạo niềm tin cho sinh viên, học viên. Có chính sách hợp lý để thu hút học sinh xuất sắc của các trường phổ thông; tăng cường truyền thông qua các phương tiện để học sinh biết cơ hội việc làm rộng mở của ngành khoa học dữ liệu; tạo cơ chế mở trong đào tạo thạc sĩ theo hình thức đào tạo “đặt hàng”. Đồng thời, đề nghị tỉnh và Trường ĐH Quy Nhơn có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học dữ liệu”, ông Trình cho biết.
Về phía DN sử dụng nhân lực khoa học dữ liệu, ông Vũ Tự Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn, đề xuất cần tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường và DN trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành khoa học dữ liệu. Chương trình đào tạo chia thành các môn lý thuyết và thực hành, môn lý thuyết thì học ở trường đại học, còn các môn thực hành thì học ở các phòng thí nghiệm DN; tập trung ưu tiên cho những môn học thực hành để sinh viên có kinh nghiệm thực tế. Môn học tự chọn theo định hướng của sinh viên.
MAI HOÀNG