Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới và yêu cầu tập trung xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số, phát triển công dân số.
Ðột phá để tiến thẳng vào công nghệ hiện đại
Vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, khó khăn chồng chất, lúc đó toàn ngành Bưu điện không có được 1 triệu USD, mạng analog tại Việt Nam vẫn hiện đại so với các nước xã hội chủ nghĩa, đang trong lúc không có vốn đầu tư lại bỏ đi mua thiết bị mới, nên nhiều người băn khoăn.
Vượt qua nhiều quan điểm tận dụng hệ thống tổng đài analog của Ðức chuyển giao, ngành Bưu điện đã quyết định chọn công nghệ digital, đi thẳng vào hiện đại hóa, sớm đầu tư hiện đại hóa cả về công nghệ và dung lượng của mạng.
Ðây là quyết định mang tính chiến lược, bởi khi đó có tới 98% mạng điện thoại cố định của thế giới đang sử dụng công nghệ analog, chỉ có một số ít quốc gia bắt đầu chuyển từ analog sang công nghệ digital.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện hồi tưởng lại, thời điểm đó, Việt Nam lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng và toàn diện, một phần do hậu quả của chiến tranh tàn khốc, một phần là hệ quả của nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp. Bước ra khỏi chiến tranh, một vạn chiến sĩ giao bưu, giao liên, vô tuyến điện, thợ dây, thợ máy… đã hy sinh.
Tổng số thuê bao điện thoại chỉ xấp xỉ 100.000, trong đó Hà Nội có khoảng 10.000 thuê bao, TP.HCM có khoảng 30.000 thuê bao. Mạng lưới viễn thông nhỏ bé sử dụng hoàn toàn công nghệ analog.
Ðời sống cán bộ, công nhân viên ngành gặp rất nhiều khó khăn. Ðất nước không chỉ bị cấm vận về kinh tế mà còn bị cấm vận về công nghệ, viễn thông, mã 84 của Việt Nam bị khóa…
Chia sẻ với VietNamNet, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT cho hay, để tìm được vốn và công nghệ hiện đại, chúng ta cần phải có những quyết sách sáng suốt và đúng đắn.
May mắn thay, ngành Bưu điện lúc đó có những người lãnh đạo tài ba và dũng cảm, đứng đầu là ông Ðặng Văn Thân – Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, đã đề nghị xin chủ trương của Ðảng, Nhà nước cho hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây để có tiền đầu tư và có công nghệ hiện đại, nói nôm na như trong ngành là chính sách “lấy ngoài nuôi trong”.
Chính sách này đã giúp chúng ta có hàng loạt các hợp đồng hợp tác kinh doanh với các tập đoàn công nghệ viễn thông của Australia, Thụy Ðiển, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhờ hợp tác với các tập đoàn nước ngoài, chúng ta đã giải quyết được bài toán về vốn và về công nghệ.
Tuy nhiên, đây chỉ là ngoại lực, còn cốt lõi phải là nội lực. Khi đó, hoạt động sản xuất của ngành vẫn là bao cấp, theo cơ chế xin cho. Nếu có tiền, có công nghệ mà hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn theo kiểu xin cho thì chắc chắn quá trình thực hiện việc đầu tư hiện đại hóa mạng lưới sẽ vô cùng khó khăn.
Chính vì vậy, các đồng chí lãnh đạo ngành Bưu điện đã xin Nhà nước cơ chế tự đi vay, tự trả nợ và tiền làm ra được để lại đầu tư vào mạng lưới, chứ không trông chờ xin ngân sách, hay nói ngắn gọn là cơ chế “tự vay, tự trả”.
Với hai chính sách nói trên, ngành Bưu điện trong một thời gian ngắn đã hiện đại hóa được mạng lưới viễn thông, thậm chí, việc số hóa mạng lưới viễn thông của Việt Nam còn đi nhanh hơn một số nước phương Tây lúc bấy giờ.
Cuộc cách mạng đưa Internet vào Việt Nam
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực cho biết, mở cửa thị trường viễn thông là chủ trương chung đã có từ năm 1995 của Chính phủ. Suốt 2 năm triển khai chủ trương này rất khó khăn, nhưng Tổng cục Bưu điện lúc bấy giờ rất quyết tâm mở cửa thị trường.
Internet có những thuận lợi hơn viễn thông do yêu cầu bức thiết mở cửa dịch vụ của xã hội và thời đó chưa có bất cứ một doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực này.
Ông Mai Liêm Trực chia sẻ: “Thời điểm đó ý kiến phản đối đưa Internet vào Việt Nam cũng có, nhưng không nhiều. Tuy nhiên, lại lắm ý kiến lo ngại, kể cả ở lãnh đạo cấp cao.
Ai cũng nghĩ rằng Internet sẽ vào Việt Nam, nhưng có điều đưa sớm hơn hoặc chậm hơn mà thôi. Vì vậy, vấn đề là liệu chúng ta có mất cơ hội lần nữa hay không? Lúc đó chúng tôi cảm nhận Internet sẽ vào Việt Nam nhưng có nguy cơ chậm và nếu cho mở được thì sẽ bị nhiều yếu tố hạn chế ảnh hưởng đến tốc độ phát triển.
Vì vậy, chúng tôi phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt, thậm chí tạm thời chấp nhận cả những chỉ đạo mà mình không hài lòng, thậm chí là ấm ức để mở Internet rồi tính tiếp”.
Ông Mai Liêm Trực kể rằng: “Vào những giờ chót thuyết phục cho mở Internet ở cấp cao nhất là Thường vụ Bộ Chính trị và Thủ tướng đã đặt ra câu hỏi: Nếu mở Internet ra có chặn được hết những thông tin độc hại trên Internet hay không? Lúc đó tôi đứng lên báo cáo đã có văn bản và thông tư liên tịch giữa các bộ như Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an và Bộ Văn hoá Thông tin rất chặt chẽ, nhưng trong triển khai do điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ không thể nào chặn được hết. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất các thông tin độc hại của Internet”.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện trải lòng rằng, những gì mà Tổng cục Bưu điện thời đó đã làm là hết sức mình, mặc dù có rất nhiều khó khăn.
Lúc đó mở cửa Internet cũng là một bước để Tổng cục mở tiếp thị trường viễn thông. Anh em bây giờ không còn băn khoăn gì về chuyện thời đó đã không làm hết mức để phát triển Internet.
Ðó là cuộc vật lộn với những khó khăn mà trước mắt là khó khăn về nhận thức và tầm nhìn có nguy cơ hạn chế sự phát triển không chỉ riêng về Internet. Qua việc mở Internet mới thấy rằng công cuộc đổi mới là vô cùng khó khăn…
Bài học đầu tiên là luôn đổi mới tư duy đối với các lĩnh vực, đặc biệt là Internet, bởi đây là lĩnh vực phát triển rất nhanh. Nếu chúng ta cứ hài lòng với sự thành công mà không đổi mới tư duy thì sẽ không phát triển được Internet.
Ðến năm 1997, dịch vụ Internet đã chính thức được cung cấp tại Việt Nam.
Mở cửa thị trường viễn thông để phổ cập dịch vụ cho người dân
Sau khi bước qua được thời kỳ lạc hậu, đi thẳng vào công nghệ số đã tạo sự phát triển mạnh mẽ cho ngành Bưu chính, Viễn thông lúc bấy giờ. Thế nhưng, Việt Nam lại phải đối mặt với câu chuyện độc quyền tự nhiên.
Ông Mai Liêm Trực cho biết, đặc thù của viễn thông là độc quyền tự nhiên, vì thời kỳ đầu nó như một đơn vị sự nghiệp của cơ quan chính quyền, phục vụ cho lãnh đạo hoặc cho dân, dần dần nó là đơn vị sự nghiệp.
Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo quá dè dặt và những níu kéo nhất định của tư tưởng cục bộ khiến quá trình mở cửa thị trường viễn thông của Việt Nam chậm hơn.
Từ năm 1995, Chính phủ đã cho thành lập Viettel và SPT tham gia vào thị trường viễn thông. Thế nhưng suốt bao nhiêu năm vẫn không mở cửa được thị trường này vì Viettel và SPT quá nhỏ và bản thân cơ quan nhà nước cũng dè dặt trong vấn đề cấp phép. Mặc dù Tổng cục Bưu điện có điều kiện để từng bước mở cửa thị trường, nhưng cản trở cũng rất lớn, đặc biệt là về nhận thức.
Ông Lê Nam Thắng kể rằng, từ năm 1996 đến năm 2005 Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính – Viễn thông đã tập trung chủ yếu vào việc mở cửa thị trường viễn thông. Khi đó, trong nội bộ VNPT đã sớm có đề án xin cung cấp dịch vụ VoIP nhưng chưa được lãnh đạo VNPT thông qua, vì lo ngại ảnh hưởng đến dịch vụ truyền thống.
Vì vậy, khi Viettel có đề xuất, Tổng cục Bưu điện đã cấp phép cho Viettel thử nghiệm dịch vụ VoIP trong nước với thời hạn 1 năm. Sau 1 năm, Viettel đã thử nghiệm thành công dịch vụ này trong nước, có được nguồn thu khá, Tổng cục Bưu điện đã quyết định cấp phép thêm cho các doanh nghiệp khác cùng cung cấp dịch vụ, trong đó có cả VNPT, đồng thời cho mở cả dịch vụ VoIP quốc tế.
“Tôi nhớ khi cấp phép cho Viettel làm VoIP chúng tôi chịu nhiều áp lực từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía doanh nghiệp chủ đạo, nhưng đồng chí Tổng Cục trưởng Mai Liêm Trực lúc bấy giờ đã nói với chúng tôi “bọn em cứ làm đi có gì anh chịu trách nhiệm”.
Có người lãnh đạo như vậy nên các đơn vị tham mưu, cấp dưới dám đề xuất và tổ chức triển khai các chính sách, quy định, chế tài về kết nối, giá thuê kênh, giải quyết vướng mắc giữa các doanh nghiệp một cách hợp tình, hợp lý và nhanh chóng”, ông Lê Nam Thắng kể lại.
Sau đó, ngoài VNPT đã cho phép thêm nhiều doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường như: Viettel, SPT, FPT, Hanoi Telecom… và thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng và hạ giá cước dịch vụ viễn thông.
Ðây chính là động lực để chúng ta phát triển bùng nổ dịch vụ viễn thông và đưa dịch vụ di động từ xa xỉ trở thành bình dân và phổ cập đến hầu hết người dân Việt Nam.
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng để bước vào kỷ nguyên mới
Lịch sử hào hùng của ngành ICT đã gắn liền với các cuộc đổi mới về công nghệ và thể chế để phổ cập dịch vụ số cho người dân. Thế nhưng giờ đây, đất nước đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới và chìa khóa để chúng ta đi vào kỷ nguyên mới mạnh mẽ đó chính là chuyển đổi số.
Nhấn mạnh đến vai trò này, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chuyển đổi số – động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
“Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Ðó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, sự thay đổi trong quan hệ sản xuất sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội.
Quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có tính đến mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa đảm bảo bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới.
Muốn vậy, người đứng đầu cấp uỷ Ðảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới và yêu cầu tập trung xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số, phát triển công dân số.
Cụ thể, tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất.
Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã tập trung thúc đẩy chuyển đổi số để tạo ra sự phát triển đột phá mới cho đất nước. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, đưa đất nước trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Ðây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nganh-ict-nhin-tu-cuoc-cach-mang-ve-cong-nghe-va-the-che-2356746.html