Thương mại – trụ cột hợp tác trong quan hệ Việt Nam – Ấn Độ
Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và nâng cấp lên Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ có những tiến triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã phát huy vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Đánh giá về quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam – Ấn Độ, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya khẳng định, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ đã ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ với nhiều thành tựu đáng chú ý trong năm 2023, đặt nền tảng cho các hoạt động hợp tác trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Theo Đại sứ, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác và thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực nông – ngư nghiệp; sản xuất điện, điện tử, hóa chất và dược phẩm; chế biến khoáng sản; năng lượng; phát triển hạ tầng; dịch vụ vận tải và du lịch. Hai bên đã và đang bàn thảo tiến tới thiết lập khuôn khổ và cơ chế phối hợp nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại trong các lĩnh vực này. Không những vậy, hai nước cũng còn nhiều dư địa mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác như ngân hàng, thanh toán số và dịch vụ vận tải trực tiếp.
Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam – Ấn Độ. Ảnh minh họa |
Chung quan điểm, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng cho rằng, thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam – Ấn Độ, liên tục đạt tăng trưởng đều đặn trong hơn 20 năm qua. Quan hệ song phương từ mức khoảng 200 triệu USD năm 2000 đã đạt mức 15 tỷ USD năm 2022 đưa Ấn Độ trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ.
Đáng chú ý, những năm qua, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước cân bằng và có sự bổ sung cho nhau. Trong khi Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu và thành phẩm quan trọng cho Việt Nam đối với các mặt hàng sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Ấn Độ là máy tính cá nhân; điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu…
Năm 2023, theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 12 đạt 702,5 triệu USD, giảm 3,6% so với tháng trước. Tính chung kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ năm 2023 đạt hơn 8,49 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Với số liệu này, Ấn Độ là một trong số ít thị trường đạt mức tăng trưởng dương.
Dẫn đầu là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,94 tỷ USD, tăng 88,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 22,9% tỷ trọng. Tiếp đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,03 tỷ, chiếm 12,2% tỷ trọng. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu một số nhóm mặt hàng có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước: Sắt thép các loại tăng 319,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 287,3%; sản phẩm từ cao su tăng 65,7%.
Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ấn Độ trong năm 2024 vẫn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt, khi nhu cầu tiêu dùng tại thị trường 1,4 tỷ dân dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch.
Cơ hội đột phá xuất khẩu vào Ấn Độ?
Tại Kỳ họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ diễn ra hồi tháng 8/2023 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, hai bên cần khai thác yếu tố bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa, đảm bảo không bị gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất đối với các nhóm ngành hàng thế mạnh của mỗi bên như nhóm dệt may, da giày, hàng nông thủy sản chế biến, hàng công nghiệp, thức ăn gia súc, hóa chất và chất dẻo, dược phẩm, linh kiện điện tử…
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, hai nước cần tháo gỡ các rào cản thương mại cho hàng hóa xuất nhập khẩu của nhau; thúc đẩy mở cửa thị trường đối với hàng hóa có thế mạnh của mỗi bên, đặc biệt là nông sản, trái cây tươi; cùng với đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường kết nối doanh nghiệp, thương mại du lịch thông qua việc thúc đẩy khai thác thêm các chuyến bay thẳng, tăng tần suất khai thác chuyến bay giữa các thành phố lớn của hai nước.
Quế là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ. Ảnh minh họa |
Nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu và sự tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua có thể thấy, về phía Việt Nam nhóm ngành sản xuất điện thoại, nông sản, sắt thép… có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ.
Trước hết, đối với ngành hàng nông sản. Cà phê hiện là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Ấn Độ. Người dân Ấn Độ rất ưa chuộng cà phê hoà tan của Việt Nam. Bên cạnh L’amant thì những thương hiệu Trung Nguyên, G7 cũng đã phát triển rất tốt tại Ấn Độ. Chính phủ hai nước vẫn đang đàm phán để có thể giảm thuế nhập khẩu, khi đó lượng cà phê việt Nam sẽ hiện diện mạnh mẽ tại Ấn Độ.
Thêm vào đó, quế cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này. Hiện tại xuất khẩu quế của Việt Nam sang Ấn độ chiếm khoảng 80% nhu cầu nhập khẩu quế của thị trường. Theo số liệu của Ấn Độ, trong năm tài chính 2022-2023, Ấn Độ nhập khẩu 38.000 tấn thì từ Việt Nam là 35.000 tấn. “Quế hay gia vị là mặt hàng gần như độc quyền của Việt Nam tại Ấn Độ. Do đó, doanh nghiệp nên đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm hiểu kỹ về thị trường để gia tăng giá trị xuất khẩu” – ông Bùi Trung Thướng khuyến cáo.
Thứ hai, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện. Như đã thông tin ở trên, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện sang Ấn Độ đạt 1,03 tỷ, chiếm 12,2% tỷ trọng. Mặc dù chỉ mới được xuất khẩu sang Ấn Độ kể từ năm 2009, tuy nhiên, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã trở thành mặt hàng có kim ngạch lớn nhất xuất khẩu sang thị trường này.
Thứ ba, ngành sản xuất thép và sản phẩm thép của Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ khi năm 2023, xuất khẩu sắt thép sang Ấn Độ tăng đến 319,3% so với cùng kỳ 2022.
Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng, song ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ không hề dễ dàng vì trong bối cảnh xuất khẩu của Ấn Độ gặp khó khăn, thị trường này cũng sẽ tìm cách để bảo hộ thị trường nội địa, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp, người lao động. Do đó, để thâm nhập sâu hơn thị trường này, ông Bùi Trung Thướng cho rằng, công tác xúc tiến thương mại sẽ phải cải tiến, kết hợp đa dạng các hình thức.
Thương vụ khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ cần tạo hệ sinh thái tại thị trường Ấn Độ. Thêm vào đó, hiện nay thương mại điện tử của Ấn Độ đang chậm hơn Việt Nam khoảng 10 năm. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ bị xoá rất nhanh, nên là doanh nghiệp tiếp cận thị trường ở thời điểm này là rất phù hợp.
Hôm nay 26/1/2024 là ngày kỷ niệm lần thứ 75 Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26/1/1950-26/1/2024). Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và nâng cấp lên Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ diễn ra hôm 10/1/2024 tại Ấn Độ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, hai nước Việt Nam – Ấn Độ còn nhiều tiềm năng, dư địa để đưa hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển đột phá trong thời gian tới, đặc biệt trong các xu thế, lĩnh vực phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, công nghiệp phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn đặt ưu tiên cao trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện với Ấn Độ, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, theo hướng ngày càng thực chất và hiệu quả hơn; sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động lâu dài, thành công ở Việt Nam. |