Lộ trình vạch rõ nhưng thực thi chỗ nào cũng chậm
Theo số liệu mới nhất của Kho bạc Nhà nước TP.HCM, tính đến ngày 10.11, TP mới giải ngân được 25.804 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 38% trong tổng vốn được giao năm 2023 là 68.634 tỉ đồng.
Những số liệu cho thấy, tổng vốn dự kiến không giải ngân hết từ các dự án chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), dự án chậm do các nguyên nhân khác lên đến hơn 6.800 tỉ đồng. Với tiến độ giải ngân tính đến ngày 10.11 chỉ đạt chưa tới 40% thì đường về đích 95% còn quá xa. Trong khi nếu tính từ 19.10 khi TP.HCM đã giải ngân được khoảng 24.200 tỉ đồng, đến 10.11 (22 ngày), mới có thêm gần 1.600 tỉ đồng được giải ngân.
Trước tình hình giải ngân đầu tư quá chậm, ngày 3.11, Chủ tịch UBND TP.HCM đã phát động thi đua 60 ngày đêm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công để đạt mục tiêu 95% như kế hoạch đề ra. Trong đó, ngành giao thông là cỗ xe được thúc chạy nhiều nhất, bởi chỉ riêng Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đã được giao giải ngân hơn 30.000 tỉ đồng, chiếm tương đương gần 44% tổng vốn đầu tư công toàn TP.HCM.
Hết quý 1 với tỷ lệ giải ngân đầu tư công quá chậm, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, khẳng định đa phần các dự án có các đặc điểm là tỷ trọng giải ngân sẽ rơi vào khoảng từ quý 2 trở đi. Bởi quý 1 là thời điểm các dự án đang phê duyệt phương án, thiết kế, chỉ giải ngân một ít chi phí cho công tác tư vấn nên tỷ trọng giải ngân sẽ không cao. Kết quả những năm trước cũng cho thấy hầu hết các dự án giao thông sẽ giải ngân ì ạch trong 2 quý đầu năm nhưng đạt gần như 100% kế hoạch ở giai đoạn cuối năm. Thời điểm đó, lãnh đạo Ban Giao thông ước tính, đến cuối quý 2, tổng thể các dự án giao thông của TP sẽ đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 30 – 40%, đến cuối quý 3 tăng lên khoảng 70 – 75% và đến cuối năm sẽ đạt từ 90 – 95%.
Thế nhưng theo số liệu mới nhất từ Ban Giao thông, tính đến 21.11, đơn vị này mới giải ngân được 14.200/30.000 tỉ đồng, tỷ lệ đạt 47%. Nghĩa là, đã gần hết năm nhưng tỷ lệ giải ngân đã “trượt” tiến độ gần 50% so với kỳ vọng. Nguyên nhân chính vẫn nằm ở nhóm dự án chờ bàn giao GPMB. Đơn cử, hồi tháng 3, lãnh đạo TP.Thủ Đức “hứa” bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Giao thông phục vụ 3 cây cầu trọng điểm là cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu vào quý 2. Tuy nhiên chỉ có cầu Nam Lý được khởi công đúng hẹn; cầu Tăng Long đến 28.10 mới chính thức có đủ mặt bằng để khởi công; còn cầu Ông Nhiêu kỳ vọng cuối tháng 10 hoàn thành GPMB nhưng đến nay chưa thấy có thông tin mới.
Tương tự, với 18.000 tỉ đồng GPMB cho dự án Vành đai 3 TP.HCM – dự án chiếm tổng vốn đầu tư lớn nhất, mang tính chất quyết định tỷ lệ hoàn thành công tác giải ngân của Ban Giao thông – hồi đầu năm, các địa phương cũng đã “chốt” kế hoạch ngày 25.4 chi trả cho người dân đợt 1 khoảng 8.000 tỉ đồng; đợt 2 trị giá 10.000 tỉ đồng tiếp tục triển khai trong tháng 9, tháng 10 và sẽ hoàn tất chi trả trước tháng 11 năm nay. Song chỉ có đợt 1 hoàn thành nhiệm vụ, công tác GPMB của dự án đến nay vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Lộ trình có tiến độ rất rõ, tính theo từng tuần, nhưng tiến độ không được kiểm soát đúng theo kế hoạch đã khiến mục tiêu “Vành đai 3 chắc chắn phải giải ngân trên 95% trong năm nay” của ngành giao thông TP gặp rất nhiều thách thức.
Sẽ bứt tốc vào tháng cuối của năm ?
Dù còn nhiều thách thức, nhưng trao đổi với Thanh Niên chiều 27.11, ông Lương Minh Phúc cho biết tỷ lệ giải ngân sẽ “bứt tốc” vào cuối tháng 12. Nguyên nhân, lượng vốn cần phải tiếp tục giải ngân nằm ở 4 nhóm chính: Thứ nhất là khối lượng sẽ tạm ứng cho 6 gói thầu xây dựng thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM và 6 gói thầu xây dựng của các dự án trọng điểm khác sẽ giải ngân vào cuối năm nay. Thứ hai là khối lượng giải ngân nguồn vốn bồi thường GPMB của 6 dự án thuộc 5 địa phương, dự kiến cũng sẽ chi trả vào cuối năm. Cùng với đó, nhóm thứ 3 là các dự án ODA sau khi hoàn tất việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hoàn tất các thủ tục giải ngân với nhà thầu thì khối lượng giải ngân dự kiến cũng sẽ thực hiện vào tháng cuối của năm. Cuối cùng là khối lượng thi công ở các dự án giao thông trọng điểm sẽ tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ. Sau khi giải ngân 4 nhóm vốn này vào cuối năm, tỷ lệ giải ngân sẽ tăng cao.
Mặc dù tiến độ “chạy” giải ngân được lãnh đạo Ban Giao thông vạch ra cụ thể là vậy, nhưng những báo cáo mới nhất của Sở GTVT vừa gửi UBND TP.HCM về tình hình thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm lại khiến người dân TP không khỏi lo lắng.
Theo Sở GTVT, danh mục dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm năm 2023 trên địa bàn TP.HCM gồm 34 dự án với tổng mức vốn đầu tư khoảng 280.472 tỉ đồng. Trong đó, có 13 dự án chuẩn bị đầu tư, gồm: cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Vành đai 4 TP.HCM; cầu Thủ Thiêm 4; cầu Cần Giờ; cầu đường Bình Tiên; đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội) và đoạn 2 (từ ngã tư Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) thuộc đường Vành đai 2 TP.HCM; nâng tĩnh không hai cầu Bình Phước 1, Bình Triệu 1; đường liên cảng Phú Hữu – Cát Lái – Vành đai 3 TP.HCM… 21 dự án đã phê duyệt đầu tư, gồm: tuyến metro số 1; metro số 2, mở rộng QL50; Vành đai 3; đoạn 3 đường Vành đai 2 (từ đoạn Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa), nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy…
Tiến độ thực hiện các dự án đều chậm so với yêu cầu của UBND TP.HCM. Nguyên nhân được Sở GTVT nhận định là một số chủ đầu tư thiếu chủ động, chưa quyết liệt trong việc điều hành, tổ chức thực hiện dự án. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng của một số dự án thực hiện chậm so với kế hoạch dẫn đến thời gian thực hiện các dự án kéo dài, ảnh hưởng tới giao thông khu vực và gây bức xúc trong dư luận.
Ông Lương Minh Phúc khẳng định Ban Giao thông đang tập trung quyết liệt các giải pháp, đặc biệt là đẩy nhanh khối lượng xây lắp; cùng với 6 địa phương triển khai tốt công tác GPMB, kịp thời báo cáo tổ công tác, đặc biệt là phối hợp với các địa phương, sở, ngành để xử lý các vấn đề liên quan đến quy hoạch, cấp phép thi công… Mặt khác, Ban Giao thông đang phối hợp Sở GTVT trình 5 dự án BOT như QL1, QL13, QL22, trục Bắc – Nam và cầu đường Bình Tiên, không chỉ khơi thông các cửa ngõ TP mà còn mang ý nghĩa khơi thông cơ chế đón tiếp nguồn lực từ xã hội, giảm được áp lực nguồn vốn đầu tư công cho TP.
“Chúng tôi tập trung vào 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đủ mặt bằng; thứ hai là đẩy nhanh tiến độ các gói thầu xây lắp còn lại, đặc biệt là dự án Vành đai 3; thứ ba là cùng các địa phương tiếp tục hoàn thành 20 dự án GPMB chiếm tỷ trọng 40% phần vốn còn lại; và thứ tư là phối hợp với các địa phương, sở, ngành, rút ngắn thời gian xử lý tình huống phát sinh, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ giải ngân”.
Ông Lương Minh Phúc (Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM)