Phụ huynh lo lắng trước suất ăn ít ỏi
Ngày 12/12, ông Nguyễn Kim Hợi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu phường 8 TP Cà Mau cho biết, trường đang tổ chức rà soát kiểm tra lại hợp đồng cung cấp suất ăn với đơn vị cung cấp và làm báo cáo giải trình theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP Cà Mau.
Trước đó, chị P.T.D, phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu có phản ánh về chất lượng suất ăn bán trú của con mình. Chị D. cho biết, cháu sụt cân và thường than phiền về chất lượng bữa ăn. Sau khi tìm hiểu, chị D. đã xót xa trước suất ăn kém chất lượng của con tại trường, cho rằng khó đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Cụ thể, ngày 11/12/2024, bữa ăn của học sinh tại trường con chị đang học gồm cơm, canh khoai môn nấu thịt và thịt vịt khìa nước dừa. Tuy nhiên, trong mỗi phần ăn chỉ có 1 miếng thịt vịt, 2 miếng khoai môn nhỏ và một lượng lớn nước canh. Những ngày trước đó cũng tương tự, như ngày 10/12/2024 bữa ăn của các cháu chỉ gồm cơm, canh bí và một miếng trứng chiên.
Theo ông Nguyễn Kim Hợi, trường có hơn 800 học sinh bán trú, với mức phí 44.000 đồng/ngày được chia theo quy định. Trong đó, 3.000 đồng dành cho điện, nước uống và nước sinh hoạt; 8.000 đồng cho các hoạt động tổ chức, còn lại 33.000 đồng được phân bổ cho bữa ăn trưa và ăn xế. Cụ thể, suất ăn trưa trị giá 24.000 đồng, ăn buổi xế 9.000 đồng với thực đơn thường là các loại bánh, sữa… Nhà trường ký hợp đồng với Nhà khách Cà Mau, đơn vị này đã cung cấp suất ăn cho trường suốt 7 năm qua. Ông Hợi thừa nhận có trường hợp suất ăn không đồng đều, từng xảy ra các ngày trước đó. “Mỗi học sinh được phát 1 khay cơm vào buổi trưa, nếu thiếu thức ăn, nhân viên phục vụ sẽ bổ sung. Tuy nhiên, do số lượng học sinh đông, việc phân chia đôi khi chưa đều. Nhà trường đã nhiều lần nhắc nhở Nhà khách Cà Mau và mời đơn vị này làm việc để khắc phục” – ông Hợi nói.
Ngành giáo dục vào cuộc để kiểm tra, làm rõ
Trả lời báo chí, bà Châu Anh, Phó Chủ nhiệm Nhà khách Cà Mau (đơn vị cung cấp suất ăn cho Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu) cho biết, thực phẩm thịt, cá, rau củ quả được mua từ các cơ sở có đăng ký và hợp đồng rõ ràng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Châu Anh cũng thừa nhận việc phân chia khẩu phần ăn không đều là lỗi của đơn vị này, không liên quan đến nhà trường, đơn vị sẽ rút kinh nghiệm và cam kết khắc phục trong thời gian tới.
Liên quan vụ việc, ngày 12/12, ông Lê Minh Trí, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo TP Cà Mau cho biết, phòng đã ghi nhận vấn đề phụ huynh phản ánh suất ăn bán trú ít thức ăn là có. Lỗi trước hết đến từ đơn vị cung cấp suất ăn, tuy nhiên, nhà trường cũng đã thiếu trách nhiệm trong vấn đề này. “Phòng GD & ĐT sẽ họp với lãnh đạo Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu và 3 điểm trường còn lại có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn để làm rõ thêm vấn đề phụ huynh phản ánh. Qua đó, sẽ rút kinh nghiệm trong tổ chức ăn bán trú cho học sinh trên toàn địa bàn. Yêu cầu các trường kiểm tra lại hợp đồng cung cấp thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng cho các em và tăng cường công tác quản lý chất lượng suất ăn” – ông Lê Minh Trí cho biết thêm.
Cần “chuyên môn hóa”
Anh N.H.T, một phụ huynh có con đang học tại trường cho rằng, các cháu đang độ tuổi lớn, rất cần tăng cường thể chất từ các bữa ăn chính, nhất là buổi trưa tại trường. Vì vậy, bữa ăn của các cháu cần phải tính toán thực đơn phù hợp, thu hút và kích thích học sinh ăn ngon. Hơn nữa, phải đảm bảo đủ dinh dưỡng và năng lượng để các cháu học tập, vận động cả ngày. “Thực đơn hàng ngày của các cháu cần phải có ý kiến chuyên môn của các chuyên gia dinh dưỡng học đường. Để được vậy, nhà trường nên tìm đối tác tin cậy là những nhà cung cấp suất ăn học đường chuyên nghiệp có uy tín. Với công nghệ số hiện nay, phụ huynh vẫn có thể quan sát theo dõi bữa ăn của các cháu từ xa. Ở các thành phố lớn như TP HCM, Cần Thơ… đã thực hiện điều này từ lâu, Cà Mau nên tham khảo và học tập” – anh N.H.T nói.
Quyết định 2195/QĐ-BGDĐT năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về suất ăn học đường của học sinh tiểu học như sau:
Thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm, gồm có món xào, món mặn, món canh, món tráng miệng. Nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Gồm: nhóm thực phẩm giàu chất đạm (thịt, cá, thủy sản, trứng, đậu đỗ…), chất béo (dầu ăn, mỡ), chất bột đường (cơm, mì, phở, bún…), rau, trái cây, sữa.
Ngoài ra, Quyết định 2195 còn khuyến nghị lượng kcal trong các suất ăn bán trú, nội trú cho học sinh tiểu học cung cấp theo tỉ lệ như sau:
– Chất đạm (protein) cung cấp khoảng 13% – 20% năng lượng khẩu phần.
– Chất béo (lipit) cung cấp khoảng 20% – 30% năng lượng khẩu phần.
– Chất bột (gluxit) cung cấp khoảng 55% – 65% năng lượng khẩu phần.
Ngoài năng lượng, chất đạm, chất béo và chất bột đường, cần đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, vitamin E và chất xơ.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nganh-giao-duc-vao-cuoc-kiem-tra-sau-thong-tin-suat-an-hoc-sinh-qua-te.html