YênBái – Trên địa bàn huyện Văn Yên có 60 trường học; trong đó, 46 trường học bán trú có bếp ăn tập thể.
Trường Mầm non An Bình, xã An Bình, huyện Văn Yên có 9 lớp với 250 cháu được tổ chức học bán trú, hàng ngày cung cấp 210 suất ăn cho trẻ. Mỗi ngày tại trường, các bé được ăn 1 bữa chính và 1 bữa phụ. Hàng ngày, khi thực phẩm được mang đến, Ban Giám hiệu nhà trường đã phân công một phó hiệu trưởng trực tiếp kiểm tra kỹ lưỡng, bảo đảm độ tươi ngon trước khi giao cho nhà bếp chế biến.
Ban Giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra bếp ăn, yêu cầu tất cả nhân viên nhà bếp trong quá trình chế biến phải sử dụng găng tay, đeo tạp dề, mũ, khẩu trang, dùng dụng cụ chia thức ăn.
Công tác kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm được chỉ đạo, thực hiện một cách nghiêm ngặt, lưu mẫu đúng định lượng, đúng thời gian quy định, có chữ ký người lưu, dán niêm phong. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước sạch hợp vệ sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường vào mỗi cuối tuần, xử lý chất thải…; đồng thời, khử khuẩn khu vực bếp ăn, làm sạch các bề mặt bằng dung dịch khử khuẩn. Nhân viên cấp dưỡng của nhà trường phải có bằng trung cấp nghề nấu ăn trở lên.
Định kỳ 6 tháng 1 lần, nhân viên cấp dưỡng của nhà trường phải đi kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ và tham gia lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) để cập nhật những thông tin mới về công tác ATVSTP; trong các buổi họp chuyên môn, sinh hoạt định kỳ, nhà trường cũng lồng ghép tuyên truyền về ATVSTP đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên để mọi người nâng cao nhận thức chủ động phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho trẻ.
Cô giáo Vũ Thị Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để duy trì chất lượng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ, nhà trường thực hiện đúng theo các quy định bếp ăn tập thể, luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, ăn chín uống sôi; hợp đồng với các nhà cung ứng thực phẩm đạt tiêu chuẩn và được phê duyệt trong danh sách của huyện gửi ngành giáo dục và đào tạo. Không mua thực phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, khi nhận thực phẩm phải có đủ 3 bên, thực phẩm phải tươi mới, không có mùi lạ, bị mốc, ôi, thực phẩm bị đổi màu, phải có nhãn mác trên bao bì và thời hạn sử dụng rõ ràng.
Nhà trường kiên quyết không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cùng với đó, nhà trường thường xuyên khám sức khỏe định kỳ theo quy định cho học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ bé khỏe của nhà trường luôn đạt trên 98%”.
Trên địa bàn huyện Văn Yên có 60 trường học; trong đó, 46 trường học bán trú có bếp ăn tập thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho 9.413 trẻ mầm non, trên 4.021 học sinh tiểu học.
Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đối với công tác quản lý về ATVSTP, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thường xuyên tham mưu với UBND huyện về việc đề xuất xây dựng các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền công tác đảm bảo ATVSTP trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống bếp ăn cho các nhà trường.
Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp chặt chẽ với Phòng Y tế huyện tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ATVSTP tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, các trường bán trú đảm bảo các đơn vị thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn cho các bếp ăn tập thể theo quy định; tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn, phổ biến kiến thức và các văn bản của pháp luật về ATVSTP cho giáo viên, nhân viên ở trường học.
Bà Hà Thị Hương Mai – Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên Cho biết: “Để thực hiện mục tiêu 100% cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh truyền qua đường thực phẩm, ngay từ đầu năm học mới, Phòng đã chỉ đạo các trường học tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đảm bảo ATVSTP; kiểm soát chặt, giám sát kỹ lưỡng nguồn gốc thực phẩm trong các bữa ăn tại các trường có bếp ăn tập thể giúp cho các em học sinh có những bữa ăn tại trường an toàn, đầy đủ dinh dưỡng”.
Thanh Tân