Theo các chuyên gia, việc ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên đồng thời giúp cá nhân hóa người học và thúc đẩy học tập suốt đời.
Làm cách nào để khai thác tốt nhất ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo, cá nhân hóa người học để mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất và thúc đẩy học tập suốt đời là vấn đề được các chuyên gia tập trung thảo luận tại hội nghị chuyên đề Ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 16/8.
Cá nhân hóa và học tập suốt đời
Tại hội nghị, chia sẻ về ứng dụng AI trong hỗ trợ giảng dạy, Tiến sỹ Trần Việt Hùng – nhà sáng lập và Chủ tịch của Got It cho hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ giáo viên rất nhiều, từ việc lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch giảng dạy chi tiết, chấm bài và nhận xét chi tiết cho từng học sinh, dịch nội dung ngôn ngữ khác đến làm trợ giảng và gia sư cho học sinh hay tạo ra nội dung giảng dạy phong phú và cá nhân hoá.
Đây cũng là nhận định của Tiến sỹ Bùi Quốc Trung, Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo ông Trung, việc giảng dạy có thể cải thiện chất lượng và cá nhân hóa nhờ trí tuệ nhân tạo và đây cũng điều Việt Nam đang hướng đến, không chỉ ở giáo dục đại học mà cả ở giáo dục phổ thông.
Cũng theo ông Trung, với xu hướng học tập trực tuyến và trọn đời, cần đẩy mạnh các hoạt động học tập trực tuyến đi kèm với ứng dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn để tăng chất lượng việc dạy và học. Theo đó, ông Trung đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các khóa học trực tuyến cho các học phần chung của các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục khác; tích hợp các công phân tích dữ liệu để giám sát, phân tích và thúc đẩy học tập hiệu quả; xuất bản các khóa học và phân tích cho các đơn vị đào tạo tham gia hệ thống.
Cùng quan tâm đến vấn đề kết nối và chia sẻ dữ liệu dùng chung, Phó giáo sư Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định kết nối và chia sẻ dữ liệu là xu thế tất yếu của thời đại. Vì vậy, ông Tùng cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện chính sách và phát triển nền tảng truy cập và chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
“Với ngành giáo dục, mở là nguyên tắc, không nên là một lựa chọn, và nên đi đầu trong việc chia sẻ dữ liệu mở,” Phó Giáo sư Tạ Hải Tùng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, đại diện Khan Academy Vietnam cho biết học liệu mở (OCW), tài nguyên giáo dục mở (OER) và giáo dục đại trà trực tuyến mở (MOOCs) đã và đang đóng những vai trò tích cực trong giáo dục, góp phần tạo cơ hội học tập cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu.
Cần bắt đầu ngay
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định giáo dục là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất của chuyển đổi số nói chung, trí tuệ nhân tạo nói riêng nhưng cũng là ngành được hưởng lợi rất nhiều. Không chỉ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý, dạy học… ngành giáo dục còn tham gia phát triển nguồn nhân lực, tham gia nghiên cứu tạo ra những công nghệ, sản phẩm trong lĩnh vực này.
Theo đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định trí tuệ nhân tạo là cơ hội nhưng cũng là thách thức với ngành. Nếu ngành giáo dục không nghiên cứu, ứng dụng sẽ bị tụt hậu, nhưng nếu nghiên cứu khẩn trương, có cách tiếp cận phù hợp sẽ tận dụng được các lợi thế của trí tuệ nhân tạo để triển khai các hoạt động giáo dục hiệu quả và ít tốn kém. “Trong lĩnh vực giáo dục, cần bắt đầu ngay,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, muốn triển khai chuyển đổi số hiệu quả cần phải có dữ liệu và liên tục cập nhật, bổ sung dữ liệu. Bên cạnh đó là nghiên cứu cơ chế, chính sách; quan tâm đào tạo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; trang bị kiến thức, hướng dẫn khai thác sử dụng các công cụ cho học sinh, sinh viên trong độ tuổi nhất định, với các mức độ khác nhau.
Hội thảo Giải pháp chuyển đổi số với việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo đã được tổ chức tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng phải tính đến bài toán nghiên cứu để tiếp tục có sản phẩm mới về trí tuệ nhân tạo phục vụ trong công tác quản lý, dạy học…
Bên cạnh những mặt tích cực, tại hội nghị, Giáo sư Hồ Tú Bảo – Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, Giám đốc khoa học Trung tâm BKAI nhắc đến GenAI, ChatGPT và cho rằng khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục, phải nghĩ kỹ hơn về ý nghĩa của việc người học sẽ thành những con người thế nào trong một thế giới số.
Ông Tú cảnh báo việc người học có thể phụ thuộc quá mức vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo và hạn chế sự phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề. Theo đó, ông Tú cho rằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục cần thực hiện một cách thận trọng, ưu tiên cân nhắc về đạo đức và có các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ để giảm thiểu tác hại tiềm ẩn./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nganh-giao-duc-nen-di-dau-trong-viec-chia-se-du-lieu-mo-post970933.vnp