Vấn đề GĐ-ĐT là quốc sách hàng đầu, vai trò đột phá chiến lược ngày càng được các lãnh đạo nhận thức cần được cụ thể, hiệu quả hơn nữa khi triển khai
Ngày 19-11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT và với tư cách cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng, lời cảm ơn trân trọng, sự ghi nhận đặc biệt đến những cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ GD-ĐT.
Khẳng định vị thế của nhà giáo
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục đang được quan tâm, được giao nhiệm vụ, kỳ vọng rất lớn. Có thể thấy rõ điều này trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong việc Chính phủ, Quốc hội đồng ý cho trình Luật Nhà giáo… “Vấn đề GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, vai trò đột phá chiến lược ngày càng được các lãnh đạo nhận thức cần được cụ thể, hiệu quả hơn nữa khi triển khai trong thực tế” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh trong buổi thảo luận tổ tại Quốc hội về Luật Nhà giáo ngày 9-11, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định nhà giáo là đầu tàu trong hoạt động của ngành giáo dục, khẳng định vị trí quan trọng của nhà giáo. Trong cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vào sáng 18-11, Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà giáo và giao một số nhiệm vụ cho ngành.
Các phát biểu của Thủ tướng Chính phủ trong nhiều diễn đàn, gần đây nhất là tại buổi gặp mặt, động viên 60 nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam mới diễn ra, Thủ tướng cũng khẳng định vai trò quan trọng của nhà giáo, ghi nhận và biểu dương những cống hiến không biết mệt mỏi của các thầy, cô giáo và toàn ngành giáo dục. “Chưa bao giờ lực lượng nhà giáo được Đảng, Nhà nước, các lãnh đạo quan tâm như bây giờ” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh. Ông cho rằng những người trong ngành cần hiểu, thấy đầy đủ vai trò quan trọng của mình. Nếu hoàn thành được nhiệm vụ đó thì vị thế của ngành, của nhà giáo, của Bộ GD-ĐT sẽ không ngừng được khẳng định.
Tại buổi lễ, Bộ GD-ĐT cũng công bố trao tặng khen thưởng cấp Nhà nước và cấp bộ cho các cá nhân.
Đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục
Chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm và chúc mừng Trường Đại học VinUni.
Bên cạnh định hướng hội nhập quốc tế, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý nhà trường gìn giữ, phát huy và lan tỏa văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. VinUni cần tập trung mạnh mẽ vào nghiên cứu, đào tạo nhân lực trình độ cao, chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Nhà trường cần nghiên cứu, mở thêm các ngành đào tạo về kỹ thuật, công nghệ, nhất là các lĩnh vực mới nổi gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn… Thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, thương hiệu VinUni.
Cũng trong ngày 19-11, đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM do ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM làm trưởng đoàn, đến thăm các nhà giáo tiêu biểu và gia đình nhà giáo tiêu biểu.
Đến thăm GS-TS Nguyễn Tấn Phát – nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Giám đốc ĐHQG TP HCM, ông Nguyễn Hồ Hải cùng các thành viên trong đoàn đã bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn trước những đóng góp của GS Nguyễn Tấn Phát cho sự nghiệp giáo dục thành phố và đất nước. Trao đổi với đoàn, GS-TS Nguyễn Tấn Phát bày tỏ mong mỏi ngành giáo dục thành phố sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đào tạo ra những thế hệ tương lai thực sự ưu tú. Ông cũng cho biết tuy tuổi cao nhưng vẫn luôn tâm huyết và sẽ tiếp tục đóng góp kinh nghiệm của bản thân vào sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Đến thăm Nhà giáo Nhân dân, PGS-TS Lý Hòa, Anh hùng Lao động, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp, ông Nguyễn Hồ Hải bày tỏ lòng tri ân sâu sắc về những cống hiến của PGS-TS Lý Hòa cho ngành giáo dục, đặc biệt là những đóng góp mở đường cho đổi mới giáo dục.
Đến thăm gia đình Nhà giáo Nhân dân, PGS-TS Huỳnh Văn Hoàng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), ông Nguyễn Hồ Hải trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Nhà giáo Huỳnh Văn Hoàng cho sự nghiệp giáo dục, đóng góp xây dựng thành phố và đất nước…
TP HCM: Nhiều điểm sáng về giáo dục – đào tạo
Chiều 19-11, đại diện Đảng ủy – Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã đến thăm, chúc mừng Sở GD-ĐT TP HCM nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Thay mặt Sở GD-ĐT TP HCM, TS Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, trân trọng cảm ơn Báo Người Lao Động đã dành những tình cảm cho Sở GD-ĐT nói riêng và đội ngũ thầy, cô giáo ngành GD-ĐT TP HCM nói chung. Theo ông Hiếu, thời gian qua, TP HCM có nhiều điểm sáng về GD-ĐT, đó là mô hình trường học thông minh, trường học số, trường học hạnh phúc…
Cùng ngày, đoàn cũng đến thăm và chúc mừng Trường ĐH Tài chính- Marketing và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở TP HCM) nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Thay mặt Báo Người Lao Động, ông Lê Cao Cường, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động gửi lời chúc mừng đến tất cả thầy cô giáo đang công tác và nhấn mạnh 20-11 là dịp để toàn xã hội tôn vinh người thầy.
Đ.Trinh – H.Lân
Nguồn: https://nld.com.vn/chao-mung-ngay-nha-giao-viet-nam-20-11-nganh-giao-duc-duoc-quan-tam-ky-vong-rat-lon-196241119211921569.htm