Ngành đường sắt nỗ lực đổi mới cùng với sự chuyển hướng của phần đông du khách khi giá vé máy bay tăng cao cũng góp phần thêm lợi thế cạnh tranh cho du lịch đường sắt.
Thống kê của Cục Du lịch Quốc gia, trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày dịp 30-4, ngành du lịch cả nước đón khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú. Một điểm đáng chú ý là trong số khách đi du lịch dịp này, theo các doanh nghiệp (DN), lượng khách đi bằng tàu hỏa tăng khá cao.
Thêm lợi thế cạnh tranh cho tàu hỏa
Dịp nghỉ lễ 30-4, vợ chồng chị Nguyễn Hồng Phương (ngụ tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết thay vì tự lái ô tô vào Đà Nẵng du lịch, họ đã chọn chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” chưa được trải nghiệm trước đây. Sau khi kết thúc chuyến du lịch ở Đà Nẵng, vợ chồng chị Phương cũng chọn chuyến tàu này làm phương tiện trở về Huế.
“Tôi rất ấn tượng về chuyến đi này. Nhân viên trên tàu phục vụ chu đáo, buồng vệ sinh rất sạch sẽ, khoang ẩm thực, giải trí cũng mới mẻ so với những đoàn tàu hỏa thông thường. Ngồi trong khoang vừa nhâm nhi ly cà phê vừa nghe nhạc, thỏa thích ngắm nhìn phong cảnh xung quanh vịnh Lăng Cô, đèo Hải Vân đều quá đẹp” – chị Phương kể.
Cung đường sắt qua Hải Vân quan. Ảnh: NGUYỄN MINH TOÀN
Chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” chính thức đưa vào khai thác từ hơn 1 tháng qua với tần suất mỗi ngày 2 chuyến giữa Huế với Đà Nẵng vào buổi sáng và chiều. Đoàn tàu gồm 5 toa xe ghế mềm điều hòa hiện đại và một toa xe sinh hoạt cộng đồng – là điểm check in “di động” ấn tượng cho du khách. Đặc biệt, du khách có thể đón bình minh và hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô – một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Tại ga Đà Nẵng và ga Huế, ngành đường sắt bố trí phòng chờ VIP để phục vụ hành khách, hệ thống xe đạp cho thuê tự động bằng hình thức quét mã QR và trên hành trình, du khách còn được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại dịp lễ 30-4 tăng cao của hành khách, trong đó có khách du lịch, ngay trước kỳ nghỉ lễ dài, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã tổ chức Lễ ra mắt đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 (Sài Gòn – Đà Nẵng). Đôi tàu SE21/SE22 sẽ chạy hằng ngày trên chặng Sài Gòn – Đà Nẵng và ngược lại được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch đối với du khách trong dịp hè năm nay.
Các toa xe sử dụng trên tàu SE21/22 là loại có chất lượng tốt nhất được tổng công ty lựa chọn để thực hiện việc nâng cấp, cải tạo nhằm gia tăng tiện ích và đem lại hiệu ứng thẩm mỹ cao. Nội thất được thay mới hoàn toàn, trên tàu có bố trí 1 toa xe có 3 khoang VIP, có 2 chỗ ghế sofa phù hợp với hành khách muốn không gian riêng tư. Ngành đường sắt cũng liên kết với Công ty Cổ phần Thức ăn Bay – Flyfood cung cấp thực đơn phong phú với các món Á, Âu để hành khách có thêm nhiều lựa chọn…
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết việc đưa vào khai thác đoàn tàu giữa Huế và Đà Nẵng là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch. Đây là sản phẩm mới, tiếp tục cho những sản phẩm kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, một phân khúc trải nghiệm, du lịch, lịch sử, văn hóa, di sản, độc đáo và thú vị mà ngành đường sắt Việt Nam đang triển khai.
“Vẽ” lại bản đồ phương tiện cho du lịch
Nỗ lực của ngành đường sắt và việc một loạt tuyến cao tốc kết nối giữa Hà Nội, TP HCM với các tỉnh, thành trên cả nước đã, đang góp phần “vẽ” lại bản đồ phương tiện cho du lịch. Nếu trước đây, du khách ưu tiên hàng không là phương tiện số 1, hiện tại trong bối cảnh giá vé máy bay liên tục duy trì ở mức cao còn tàu hỏa và ô tô ngày càng tiện lợi, chi phí thấp hơn nhiều… giúp đa dạng lựa chọn cho du khách.
Du khách thưởng thức một số món ăn địa phương trên tàu hỏa “Kết nối miền Trung”. Ảnh: NGỌC MINH
Ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết qua các dịp nghỉ lễ vừa rồi, có thể thấy khách du lịch ngày càng có nhu cầu tự đi du lịch đến Huế. Đặc biệt là những khách từ các địa phương lân cận, với nhu cầu tham quan các điểm du lịch mới như điện Kiến Trung – Đại nội Huế, trải nghiệm các sản phẩm du lịch biển, đầm phá, suối, thác.
Đặc biệt, việc đưa vào khai thác đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung” theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để du khách trong nước và quốc tế đến với cố đô Huế được trải nghiệm du lịch bằng nhiều loại phương tiện giao thông khác nhau. Trong giai đoạn vé máy bay tăng cao hiện nay, hình thức này giúp khách du lịch tiết kiệm chi phí lựa chọn phương tiện đường sắt thay vì máy bay.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho hay dù không có thống kê cụ thể về lượng khách đi du lịch dịp lễ bằng phương tiện nào nhưng quan sát và ghi nhận sơ bộ cho thấy khách chọn đi bằng tàu hỏa, ô tô từ TP HCM tới những điểm đến lân cận hoặc xa hơn như Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn… tăng lên đáng kể.
“Sự kết nối giữa hiệp hội, DN lữ hành với ngành đường sắt trong xây dựng sản phẩm du lịch, liên kết để tạo những sản phẩm tour, tuyến mới đã được triển khai hiệu quả thời gian qua. Sắp tới, Hiệp hội Du lịch TP HCM sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các DN lữ hành để cùng xây dựng những sản phẩm du lịch hợp lý. Ngành đường sắt cũng có thể linh hoạt hơn trong giá vé tàu hỏa, đa dạng các tuyến, chặng… để khách thêm sự lựa chọn” – bà Khánh nói.
Thực tế, đường sắt từ trước đến nay đã là một phương tiện được khai thác du lịch, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách khi có thể ngắm nhìn, khám phá khung cảnh thiên nhiên, núi non hùng vĩ trên hành trình tàu hỏa đi xa. Nay, theo ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, việc đưa vào khai thác nhiều đoàn tàu du lịch mới trên các chặng, nâng chất lượng dịch vụ sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.
“Khi tư vấn lịch trình, tour tuyến cho khách, chúng tôi sẽ kết hợp cả tàu hỏa, máy bay và ô tô. Có thể kết hợp chặng đi bằng tàu hỏa, về bằng máy bay, vừa thêm sự lựa chọn, gia tăng trải nghiệm và chi phí cũng thấp hơn. Như từ TP HCM đi các tỉnh miền Trung trước đây ưu tiên đi máy bay, nay có thể kết hợp máy bay và tàu hỏa” – ông Ngọc An nói.
Đề xuất nối tour bằng tàu hỏa
Theo ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Thế Hệ Trẻ, để du lịch đường sắt hấp dẫn hơn, ngoài nỗ lực đưa vào một số đường tàu du lịch mới, ngành đường sắt cần nghiên cứu liên tuyến, nối tour bằng tàu hỏa. Chẳng hạn, khách đi tàu hỏa từ TP HCM ra Nha Trang, chơi 1-2 ngày rồi có thể lên tàu ở Nha Trang để đi tiếp Đà Nẵng, Huế hoặc triển khai bán vé lẻ từng chặng với giá hợp lý. Cải thiện nhà vệ sinh trên tàu; trang trí toa ăn uống, quầy bar… để khách có thể thoải mái ngồi uống cà phê, ăn uống.
THÁI PHƯƠNG – QUANG TÁM
Nguồn: https://nld.com.vn/nganh-duong-sat-truoc-co-hoi-lon-196240502212733803.htm