Thuế, phí “ăn cụt” tiền du khách
Giữa tháng 6 năm nay, gia đình anh Lương Văn chọn chuyến du lịch tại Thái Lan, thời gian 5 ngày 4 đêm, với giá 6,3 triệu đồng/người. Đơn vị bán tour là doanh nghiệp du lịch lữ hành trong nước. Sau hơn 1 giờ bay từ TPHCM đến thủ đô Bangkok, gia đình anh Lương Văn lên ô tô đi tiếp Pattaya – một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Nam Thái Lan, và chặng cuối là về lại Bangkok. Các điểm du lịch nổi tiếng đều được tour đưa đến, ở tại khách sạn 4 sao, ăn uống tươm tất, có luôn dịch vụ massage dành cho cả nam lẫn nữ; đặc biệt có buổi tiệc buffet tại tòa nhà 84 tầng với nhiều món đặc sản. Điều khiến anh Lương Văn bất ngờ là dọc các địa điểm tham quan, khách sạn, nhà hàng…, các đoàn khách đến từ Việt Nam “áp đảo” với đủ chất giọng Bắc – Trung – Nam.
Anh Võ Tấn Quan, hướng dẫn viên của đoàn, chia sẻ: “Chi phí như thế thật rẻ, ở Việt Nam sẽ không tìm ra, cho dù thu nhập của người Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan. Nguyên nhân là do các đơn vị liên kết lại, đồng lòng giảm giá để thu hút du khách”.
Từ câu chuyện du lịch ở nước bạn để nhìn lại thực trạng giá dịch vụ du lịch trong nước còn quá cao, trong đó chi phí vé máy bay là ví dụ điển hình. Ngày 9-11, chị Bông Mai, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM, mua vé máy bay 1 chiều của hãng VietJet Air đi du lịch tại Thanh Hóa, giá vé ghi 680.000 đồng, nhưng cộng cả thuế phí các loại đội lên gần 1,4 triệu đồng.
Cũng của hãng VietJet Air, chủ nhật 12-11, chuyến bay từ Hà Nội đi Phú Quốc lúc 12 giờ 50 phút, giá 2 triệu đồng/vé, nhưng cộng các chi phí khác lên gần 2,9 triệu đồng. Hoặc của Vietnam Airlines chuyến Hà Nội đi Phú Quốc ngày cuối tuần 17-11, bay chuyến 10 giờ 5 phút, giá 2,769 triệu đồng/vé nhưng cộng dồn chi phí lên tới 3,618 triệu đồng. Cho dù có thời điểm các hãng hàng không tung giá vé 0 đồng, nhưng cuối cùng khách phải trả từ 600.000-800.000 đồng/vé (tùy theo chặng bay), do các loại thuế, phí.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing TST Tourist, phân tích, giá vé máy bay chiếm 30%-40% cơ cấu giá tour. Ví dụ, một tour trọn gói khoảng 10 triệu đồng, giá vé máy bay chiếm 3-4 triệu đồng. Do đó, chỉ cần giá vé máy bay “mềm” thì giá tour sẽ thấp xuống, kích thích du khách kéo vali đi chơi.
Các doanh nghiệp du lịch phản ánh, mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng VAT (còn 8%) thực sự không đáng kể. Thêm nữa, điều doanh nghiệp du lịch mong muốn là các chính sách ưu đãi vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động, bởi họ phải vay lãi suất cao hoặc vay nóng từ người thân để xoay xở tạm công việc. Tuy vậy, qua nhiều lần làm việc với ngân hàng, chính một lãnh đạo ngân hàng nhà nước xác nhận, rất khó cho doanh nghiệp du lịch vay vì ngành nghề rủi ro, nên doanh nghiệp đành… “tự bơi”.
Một giá thành khác cũng chiếm tỷ lệ quan trọng trong giá thành tour là tiền khách sạn. Bà T., giám đốc một hệ thống khách sạn 3 sao trên địa bàn quận 3 (TPHCM), cho biết, giá phòng hiện gánh thêm các khoản thuế, phí, như 8% VAT, 5% phí phục vụ (riêng các công ty liên doanh phí phục vụ lên 6%-8%)… làm đội giá thành.
“Vừa qua, hoạt động kinh doanh khó khăn do dịch Covid-19 nên khách sạn chúng tôi được miễn giảm tiền điện 30%-40%, được chậm nộp thuế đất hơn 10 tỷ đồng. Thực tế, việc kinh doanh vẫn còn rất khó khăn, do khách du lịch ít, nên chúng tôi phải chật vật xoay xở. Với công suất phòng chưa tới 70% như hiện tại, doanh thu chỉ tạm bù đắp trượt giá cũng như các chi phí vận hành, trả công nhân viên. Nếu được nhà nước miễn tiền thuế, phí, chúng tôi cũng đồng lòng giảm tiếp tiền phòng, chắc chắn giá tour sẽ rẻ hơn hiện tại rất nhiều, nhờ đó sẽ kích ngành du lịch”, bà T. phân tích.
Tân Hóa trở thành làng du lịch tốt nhất thế giới, được xem là nơi tạo ra lực hút du khách mới ở Quảng Bình. Ảnh: HÓA MINH |
Liên kết lẻ mẻ, thiếu giải pháp tổng thể
Khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã ghi nhận nhiều phân tích tâm huyết của các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Các ý kiến đều cho rằng, điểm yếu nhất hiện nay của ngành du lịch là sự thiếu liên kết bài bản. Chẳng hạn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trước đây luôn là một trong những điểm lựa chọn hàng đầu cho du khách, nhưng thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp than phiền vắng khách lưu trú.
Thống kê từ Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, thời gian thấp điểm chỉ đạt 40%-50% công suất phòng, nhiều đơn vị không có khách hàng truyền thống thì con số này còn thấp hơn rất nhiều. Một vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp lữ hành hiện nay quan tâm, đó là vấn đề liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Cho dù được bàn thảo nhiều lần nhưng có rất ít tour tuyến liên tỉnh trong vùng được hình thành; việc liên kết trong vấn đề du lịch vẫn còn rời rạc, mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, chưa có sự hợp tác sâu rộng. Trong khi đó, vùng Đông Nam bộ hội tụ đầy đủ tiềm năng thu hút du khách bởi có núi, có biển, có các di tích lịch sử, có các điểm tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Ông NGUYỄN VĂN PHÚC Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế: Ban hành chiến lược phát triển vùng để tránh trùng lắp Cần ban hành chung chiến lược phát triển du lịch của vùng để mỗi địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của địa phương bổ trợ cho nhau nhưng không trùng lắp, nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, kéo dài kỳ tham quan của du khách là rất cần thiết. Ngoài ra, cần phải có sự phối hợp “tay ba” giữa các cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành và hệ thống vận tải.
Mặt khác, theo các chuyên gia, cho dù có liên kết thì cũng lỏng lẻo. Chẳng hạn, nhờ sở hữu các di sản cũng như vị trí địa lý gần nhau, 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã chủ động ký kết hợp tác với chủ đề “Ba địa phương – một điểm đến”. Tiếp đó, đầu năm 2022, hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch đã mở rộng ra 5 địa phương (thêm tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình). Các địa phương luân phiên giữ vai trò trưởng nhóm liên kết. Dù vậy, thực tế cho thấy không tránh khỏi những vướng mắc nhất định do công tác phối hợp chưa đồng bộ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Hồ Thanh Tú cho biết, khi cao điểm khách nội địa, các đơn vị, doanh nghiệp của mỗi địa phương đều rất bận rộn với kế hoạch, thị trường riêng nên công tác kết nối còn “lỏng lẻo, lác đác”. Chia sẻ nguồn lực để cùng phát triển, tuy vậy muốn rõ nét cần một “nhạc trưởng” điều phối chung cho nhịp nhàng cả vùng.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí nhìn nhận, ngành du lịch được xem như “hàn thử biểu” của nền kinh tế, nên phản ứng của người dân, du khách với các điểm đến cần được xem xét, điều chỉnh ngay cho phù hợp. Ví dụ tại Thái Lan, ngay sau vụ lộn xộn ở trung tâm thương mại Siam Paragon (thủ đô Bangkok), lo sợ lượng khách đến sụt giảm, ngành du lịch Thái Lan đã nhanh chóng điều chỉnh chính sách miễn visa thêm Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc); kéo dài thời gian mở cửa đến 4 giờ sáng cho các điểm giải trí tại Bangkok, Phuket, Chiangmai và Chon Bori.
“Họ nghiên cứu kỹ thị hiếu, phản ứng của khách đối với thị trường du lịch để nhanh chóng điều chỉnh kịp thời. Họ làm rất nhanh, sản phẩm, dịch vụ cũng liên tục được nâng cấp; đặc biệt ngành du lịch Thái Lan rất cầu thị. Chính vì thế, dù đến Thái Lan nhiều lần nhưng khách vẫn mê, bởi giá cả thống nhất, người bán vui vẻ… Không ít du khách thừa nhận, họ đã móc túi tiêu đến đồng tiền cuối cùng, bởi cách làm du lịch của Thái Lan quá khéo”, ông Nguyễn Đức Chí dẫn chứng.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lữ hành Saigontourist, cho biết: “Lời giải chính là các địa phương, doanh nghiệp du lịch, điểm đến phải bắt tay nhau thật chặt, giữ mức giá tốt, tâm huyết đi đến cùng vì quyền lợi của khách hàng. Thêm nữa, công tác hậu kiểm rất quan trọng để đánh giá hiệu quả toàn bộ tiến trình ký kết, hợp tác”.