Trong 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Đồng Nai đón trên 1,53 triệu lượt khách, trong đó trên 90% lượng khách trong nước. Doanh thu ngành du lịch đạt 908 tỷ đồng.
Khu du lịch Suối Mơ đầu tư thêm 10 tỷ đồng để nâng cấp hạng mục trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: N.Liên |
Nhìn lại thời điểm cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch Covid-19), lượng khách đến Đồng Nai có gần 2,5 triệu lượt người nhưng doanh thu chỉ đạt 850 tỷ đồng. Con số trên cho thấy, du lịch Đồng Nai đã có sự chuyển dịch theo hướng chất lượng hơn.
* Nâng giá trị du lịch nội địa
Theo đánh giá của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hiện khách du lịch nội địa đang là “cứu cánh” cho ngành du lịch Việt Nam kể từ sau đại dịch Covid-19. Vào các dịp cao điểm lễ, Tết, dịp hè, lượng khách trong nước tăng mạnh tại các điểm du lịch, vui chơi giải trí. Trong 6 tháng đầu năm, tổng số khách du lịch trên cả nước đạt trên 69,6 triệu lượt; trong đó, khách nội địa đạt 64 triệu lượt và lượng khách quốc tế đạt trên 5,6 triệu lượt.
Tại Đồng Nai, ngoài sự dịch chuyển theo xu hướng chung, khách du lịch nội địa còn có mức chi tiêu cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, trong những tháng đầu năm nay, du khách đến Đồng Nai đã chi tiêu bình quân hơn 593 ngàn đồng/người, cao hơn 253 ngàn đồng/người so với năm 2019. Điều này cho thấy, nhu cầu du lịch chất lượng cao đã tăng, đặc biệt là mô hình du lịch mới nổi gần đây là cắm trại phục vụ bữa ăn tại chỗ (glamping) được nhiều khách chọn lựa.
Chị Trần Thúy Quỳnh (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, mùa hè năm nay, chị và nhóm bạn thân đã 3 lần đi du lịch vào dịp cuối tuần tại những điểm du lịch của tỉnh như: Vườn quốc gia Cát Tiên, khu du lịch Đảo Ó – Đồng Trường, điểm du lịch cắm trại cao cấp tại khu vực ven hồ Trị An. Theo chị Quỳnh, từ sau đại dịch Covid-19, chị và nhóm bạn thân thường ngại đi du lịch xa và theo tour, thay vào đó, chị thường chọn địa điểm du lịch gần, có cảnh quan đẹp và nhiều món ẩm thực đồng quê để trải nghiệm hết những thú vị của thiên nhiên như: xem thú đêm, chèo thuyền trên hồ và thưởng thức các món đặc sản.
Đồng Nai hiện có 133 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 3,6 ngàn phòng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tăng cường thu hút khách, một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất. |
* Tăng dịch vụ du lịch
Gần đây, một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm vui chơi ở TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa, H.Định Quán, H.Tân Phú… đã đi vào hoạt động, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ghi nhận tại một số điểm Glamping trong dịp hè năm nay, vào dịp cuối tuần, 100% phòng được khách thuê, thậm chí nhiều khu khách đã đặt trước phòng đến hết tháng 7-2023. Glamping là loại hình hấp dẫn du khách tiêu tiền với hơn 1 triệu đồng/người
Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có một số khu, điểm tham quan cao cấp để khách du lịch tiêu tiền như: Khu du lịch Sơn Tiên được đầu tư hiện đại, luôn thu hút hàng ngàn du khách mỗi ngày; các sân golf; du lịch khám phá rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên…
Phó trưởng phòng Quản lý thể thao và du lịch (Sở VH-TTDL) Nguyễn Văn Hậu cho biết, so với thời điểm trước dịch Covid-19, giá các loại dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cũng như trên cả nước tăng từ 20-30%. Du lịch Đồng Nai đang có dấu hiệu phục hồi tốt, theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo ông Hậu, qua tìm hiểu thị trường du lịch một số địa phương khác có sự bấp bênh, thậm chí tình trạng rao bán các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp là do những nơi đó du lịch chủ yếu dựa vào khách du lịch nước ngoài. Trong khi hơn 3 năm qua, khách quốc tế đến Việt Nam “nhỏ giọt”. Đồng Nai không phụ thuộc vào thị trường khách quốc tế, thay vào đó là những người lao động, các chuyên gia làm việc tại các công ty nước ngoài đi nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần. Những lợi thế này đã góp phần tăng doanh thu du lịch bằng cách tăng mức chi tiêu của du khách khi đến Đồng Nai.
Ngọc Liên
.