Theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), vài năm trở lại đây, ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới.
Đến nay, ngành đã và đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận. Kéo theo đó, cả các hệ thống thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào đều chịu tác động gián tiếp, một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30 – 40%.
Phát biểu tại hội nghị “Gặp mặt các doanh nghiệp hội viên VBA tại Hà Nội” diễn ra chiều nay 15.3, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết theo ghi nhận của VCCI, bức tranh về nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp hiện rất đáng lo ngại.
Đặc biệt, doanh nghiệp ngành đồ uống đang chịu tác động tiêu cực kép từ dịch Covid-19 cùng với tác động của tình hình thế giới và những chính sách liên quan dẫn tới khó chồng khó.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lâm Du An, Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cho biết năm 2021 và 2022, tăng trưởng của doanh nghiệp đều giảm đáng kể. Năm 2023, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Sabeco lần lượt giảm 11% và 23%. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống của Sabeco cũng gặp khó bởi giá đầu vào tăng từ 20 – 40%, trong khi giá bán không thể tăng.
Xem xét một chế độ thuế chiến lược đối với rượu, bia?
Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất tại sự kiện chiều nay là câu chuyện liên quan dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Theo Nghị quyết 25/NQ-CP về đề nghị xây dựng luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới. Sau đó, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 và thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5.2025.
“Trong dự thảo luật lần này, ngành bia, rượu có một số tác động là chịu tăng thuế theo lộ trình, nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay có thể đề xuất giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ quan điểm.
Với nhiều khó khăn, đại diện Sabeco nêu kiến nghị lùi thời gian áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 2 – 3 năm nữa.
Theo ông Nguyễn Duy Vương, Trưởng Bộ phận đối ngoại Công ty Heineken Việt Nam, tình hình kinh tế năm 2024 dự đoán còn tiếp tục khó khăn. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm này chưa phù hợp, dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề không chỉ với doanh nghiệp sản xuất mà còn với cả chuỗi cung ứng, người tiêu dùng.
Về lâu dài, ông Vương cho rằng, với sự phát triển và nâng cao nhận thức của cộng đồng, ngành bia cần được khuyến khích tiếp tục đưa ra những sản phẩm mới, cải tiến chất lượng cao và lý tưởng nhất là có độ cồn thấp.
Đó là lý do tại sao Việt Nam với tư cách là một thị trường đang phát triển nên bắt đầu xem xét một chế độ thuế chiến lược đối với rượu, bia nhằm khuyến khích các hành vi uống rượu đúng đắn và cân bằng sức khỏe với nguồn thu ngân sách nhà nước.
“Việc này sẽ mất thời gian và nên thực hiện từng bước để tất cả các thành viên trong ngành có thể lập kế hoạch hoạt động kinh doanh phù hợp”, ông Vương nói.
Nhìn nhận doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), kiến nghị cơ quan soạn thảo nên đánh giá tác động một cách toàn diện khi đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nhắc lại những quan điểm đề xuất có lộ trình phù hợp áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, bà Thảo gợi mở cần xem xét kỹ thêm vấn đề nếu có tăng thì tăng thế nào, tăng bao nhiêu là phù hợp.
“Lộ trình tới đây, mức tăng theo dự kiến của Bộ Tài chính là tương đối cao. Vì vậy, các doanh nghiệp nên có bằng chứng bổ sung thêm để xem tăng mức nào là phù hợp, không tác động đến ngành, không tác động quá nặng nề đến người lao động trực tiếp và hàng triệu người lao động gián tiếp”, bà Thảo nói.