Chiều 10.10, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã tổ chức cuộc họp báo với các cơ quan truyền thông nhằm chia sẻ tình hình hoạt động trong thời gian qua và định hướng trong những tháng cuối năm. Theo Ban lãnh đạo Vinacas, sau 2 năm sa sút vì tình hình dịch bệnh và chiến sự xảy ra trên thế giới, từ đầu năm đến nay ngành điều đã có sự hồi phục, đặc biệt trong những tháng gần đây đơn hàng được ký nhiều hơn. Tuy nhiên, từ tháng 6.2023, nhiều lô hàng xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu đã liên tục bị cảnh báo về tình trạng nhiễm côn trùng sống. Theo Vinacas, mức độ báo động ngày càng tăng lên vào thời điểm quý 3/2023 khi đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn, việc tăng ca vào ban đêm khiến côn trùng sống thuận lợi sinh sôi, khâu khử trùng vì thế cũng tăng lên nhưng không đảm bảo thời gian cách ly; dẫn đến dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm nhân điều chế biến vẫn còn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Vinacas nhìn nhận: Các nước chuyên cung cấp nguyên liệu điều thô cho Việt Nam là châu Phi đang tiến dần đến việc tự sản xuất chế biến nhân điều, tương tự nhà máy tại Việt Nam đang làm, nguyên liệu nào không đạt, không chế biến được thì họ mới bán cho Việt Nam, do đó nguồn nguyên liệu châu Phi nhập về Việt Nam thường là điều thô phẩm cấp thấp. Do năm trước tình hình tiêu thụ khó khăn, các doanh nghiệp nhập khẩu lưu trữ hàng trong kho với thời gian dài dẫn đến chất lượng điều nhân chế biến cũng giảm sút”.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cũng bộc bạch: “Đến thời điểm hiện tại, việc giữ được chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn của ngành điều Việt Nam, bởi nhiều lợi thế trước đây không còn nữa, và áp lực cạnh tranh từ các nước châu Phi đang mỗi ngày một lớn hơn. Trước đây, ban lãnh đạo chúng tôi còn cả nể và một phần che giấu nên không công khai vấn đề chất lượng. Nhưng giờ chúng tôi phải nói rõ, thậm chí là phải cảnh báo về chất lượng điều nhân chế biến của một số doanh nghiệp. Vì chất lượng càng ngày càng đi xuống nên giá điều nhân bán ra không tăng lên được, và không thể so sánh với giá điều Ấn Độ. Hiệp hội chúng tôi chỉ có thể đưa ra khuyến cáo, nhưng hiện nay cần phải có giải pháp mạnh hơn để chấn chỉnh vấn đề này, do đó cần phải có sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương, của cơ quan chức năng”.
Về tình hình xuất khẩu, vào giữa năm 2023, trước khó khăn từ nội tại lẫn thị trường tiêu thụ, Vinacas đã đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu điều năm 2023 giảm còn 3,05 tỉ USD, so với 3,8 tỉ USD theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT. Với kế hoạch này, Vinacas cho rằng nhiều khả năng sẽ đạt được.