Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ailen đã và đang tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan tốt hơn, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ailen đã và đang tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan tốt hơn, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngành da giày đang tận dụng tốt hơn UKVFTA để tăng xuất khẩu và có ưu đãi thuế. |
Chia sẻ về việc tận dụng hệ thống các hiệp định thương mại tự do, trong đó có UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh quốc, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, ngành da giày đang tận dụng các cam kết trong UKVFTA tốt hơn để tăng tốc xuất khẩu.
8 tháng năm 2024, xuất khẩu giày dép sang Anh tăng trưởng 25% chiếm gần 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của EU. Cùng với sự hồi phục xuất khẩu tại các thị trường lớn khác như: Hoa Kỳ 5,58 tỷ USD, tăng 17,1%; EU (27 nước) là 3,63 tỷ USD, tăng 14,3%; Trung Quốc là 1,32 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu toàn ngành tăng trưởng trên 16% so với cùng kỳ.
Lũy kế đến hết tháng 9, xuất khẩu giày dép đạt 16,54 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ.
Ngành da giày Việt Nam hiện có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.
Theo Lefaso, trước khi rời EU, Anh đã là thị trường xuất khẩu chính của ngành da giày, tuy nhiên trong giai đoạn 2019-2020, xuất khẩu có sự suy giảm nhẹ, nhưng từ đó đến nay, xuất khẩu đã tăng trở lại khá ấn tượng.
Giai đoạn dịch covid khó khăn, chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhưng xuất khẩu giày dép sang Anh vẫn tăng 6%, đặc biệt, năm 2023 khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều suy giảm, đặc biệt giảm sâu tại EU thì kim ngạch xuất sang Anh vẫn tăng khá, đạt khoảng 765 triệu USD.
Với mức thực hiện này, giày dép là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 sang Anh quốc và chiếm gần 13% tỷ trọng xuất khẩu, chỉ sau điện thoại các loại và linh kiện, đạt hơn 1,31 tỷ USD, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, đạt 1,03 tỷ USD.
Bà Xuân nhấn mạnh, Vương quốc Anh hiện là thị trường rất quan trọng của ngành da giày. Với UKVFTA, Việt Nam đang có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cùng xuất khẩu vào Anh.
Giày dép hiện nằm trong top 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Anh.
Bộ Công thương cho biết, nhờ kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số trong nhiều năm liền, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu giày dép nhưng xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, trong khi Trung Quốc chiếm gần 40%.
Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu giày dép có tiềm năng lớn nhưng rất cạnh tranh, bởi tiêu chuẩn nhập khẩu cao và nhiều nhà xuất khẩu cùng nhắm vào thị trường này.
Trước khi có UKVFTA, giày dép Việt Nam xuất khẩu sang Anh chịu mức thuế quan cao thứ 2 (6,7 %) trong 15 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Anh. Tuy nhiên, với UKVFTA, Việt Nam được cạnh tranh bình đẳng về thuế, nhưng khó so sánh về lợi thuế quy mô của hàng hoá Trung Quốc, hay khả năng thiết kế, mẫu mã và tính tương đồng về văn hóa và thị hiếu như Hà Lan, Italia, Bỉ, Đức…
Đáng chú ý, sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Anh cũng cam kết mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của các nước thành viên CPTPP khác.
Trong đó, các nước Australia, New Zealand, Malaysia và Mexico có nhiều sản phẩm cùng chủng loại với sản phẩm Việt Nam. Mức độ cạnh tranh cũng khốc liệt hơn, buộc các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao khả năng cạnh tranh, đầu tư mạnh cho thiết kế mẫu mã, tự chủ nguyên liệu đầu vào…
Năm 2024, ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 27 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, các doanh nghiệp tập trung đa dạng hóa thị trường, chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Vương quốc Anh…, với đặc thù sức mua và dung lượng thị trường lớn.
Để khai thác tốt hơn các FTA hiện hành và tận dụng tốt ưu đãi thuế quan, việc chủ động nguyên liệu đầu vào để có xuất xứ theo cam kết là mục tiêu của ngành này đang hướng tới.
Trong nỗ lực đáp ứng quy tắc xuất xứ, Lefaso đã trình Bộ Công thương đề xuất xây dựng Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam.
Mặt khác, chủ động nguồn cung giúp doanh nghiệp da giày minh bạch được xuất xứ nguyên phụ liệu, vừa đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do vừa thực hiện được các tiêu chuẩn xanh, bền vững của các nhà nhập khẩu.
“Xanh hóa” đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với tất cả các khâu sản xuất với các sản phẩm da giày xuất khẩu sang Anh cùng nhiều thị trường khác, như EU, Hoa Kỳ. Khi doanh nghiệp coi xanh hóa cơ hội để tiếp cận với chuỗi sản xuất minh bạch hơn, từ đó có lộ trình chuyển đổi phù hợp với quy mô sản xuất, điều kiện tài chính của doanh nghiệp, đồng nghĩa sẽ chắc chân trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Xuân nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodautu.vn/nganh-da-giay-tan-dung-ukvfta-de-tang-toc-xuat-khau-d228505.html