72 năm qua ngành công thương Thái Bình đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào sự phát triển ngành công thương cả nước nói chung, kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng.
Ngành công thương Thái Bình phát triển hệ thống điểm bán hàng Việt Nam tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, đến nay ngành công thương đã phát triển đột phá và ngày càng phát huy vai trò là ngành chủ lực trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ngay cả trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù quy mô còn nhỏ, chủ yếu sản xuất nông cụ nhưng ngành đã phục vụ đắc lực cho ngành sản xuất nông nghiệp và kinh doanh lấy lãi để có thêm kinh phí cho Đảng hoạt động, lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng, chống đế quốc, phong kiến. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn ngành đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng, nhiều sản phẩm mới ra đời.
Khi đất nước thống nhất, công nghiệp của tỉnh bắt đầu có bước phát triển mới, giá trị sản xuất chiếm từ 16-17% tổng sản phẩm của tỉnh. Với sự giúp đỡ của Liên Xô trong việc khoan thăm dò dầu khí tại huyện Tiền Hải, ngành công nghiệp khai thác và sử dụng khí đốt của tỉnh được mở ra. Từ khi thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, cùng với đổi mới công tác quản lý, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công nghiệp tập trung, nghề và làng nghề trong tỉnh được chú trọng phát triển; hoạt động của các khu, cụm công nghiệp ngày càng hiệu quả.
Đặc biệt, điểm nhấn trong sản xuất công nghiệp và thương mại của tỉnh những năm qua là tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, cụ thể là giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 14,3%/năm cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Một số dự án quy mô lớn hoàn thành đầu tư, đi vào sản xuất kinh doanh ổn định: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy sản xuất Amon nitrat, hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ… Xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại được triển khai tích cực, nổi bật là xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Vincom plaza và các siêu thị chuyên doanh hiện đại.
Với những thành tựu to lớn trên ngành công thương Thái Bình đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Lẵng hoa của Chủ tịch nước; Cờ luân lưu, Cờ thi đua của Chính phủ; Lá cờ đầu của ngành trong toàn quốc; Huân chương Lao động hạng Nhất; Cờ thi đua của UBND tỉnh; nhiều năm liền được Bộ Công Thương và UBND tỉnh tặng bằng khen.
Hạ tầng thương mại của tỉnh ngày càng hiện đại đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được, ngành công thương Thái Bình tiếp tục vượt khó, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển công nghiệp, thương mại được giao. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là chìa khóa cho sự phát triển. Ngành đã tham mưu và thực hiện nhiều giải pháp để đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, ngành công thương đã tham mưu ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, cơ chế chính sách về quản lý và sử dụng vốn khuyến công, khuyến thương… Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt khó khăn, tham mưu đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều giải pháp tháo khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng sản xuất, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, phát triển thị trường công nghệ, tạo cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội quảng bá, giao thương sản phẩm tại các hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài.
Năm 2022, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn công tác của tỉnh tổ chức xúc tiến thương mại tại các nước Bắc Âu, bước đầu cho kết quả đáng phấn khởi với một số đơn hàng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vào thị trường châu Âu. Tổ chức thành công hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình, hội nghị phát triển thị trường lúa gạo mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số vào hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trực tiếp và trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu, mở rộng được thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, những năm đầu của nhiệm kỳ mới 2021-2025 trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành công thương vẫn đạt được những kết quả khá ấn tượng. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn đạt hai con số và cao hơn so với bình quân chung cả nước: Năm 2021 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19%, năm 2022 tăng 17% và dự kiến năm 2023 phấn đấu tăng 19,2%. Tăng trưởng lĩnh vực thương mại luôn vượt kế hoạch đề ra, năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%; kim ngạch xuất khẩu tăng 23,9%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 9,2%). Bước sang năm 2022, lĩnh vực thương mại tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,6% (kế hoạch tăng 11%), kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5% (kế hoạch tăng 10,5%) cho thấy sự phục hồi và phát triển của ngành sau đại dịch Covid-19.
Để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, kế hoạch tái cơ cấu phát triển ngành, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, ngành công thương Thái Bình quyết tâm, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy chuyển đổi số. Tham mưu kịp thời giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và xúc tiến thương mại, thu hút các nguồn lực phát triển; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại, lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại điện tử, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, chú trọng thu hút đầu tư phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Với 72 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển, với hạ tầng công nghiệp và thương mại không ngừng được đầu tư hiện đại, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự đồng lòng và khát vọng vươn lên của người dân, doanh nghiệp, tin tưởng ngành công thương sẽ tiếp tục tạo ra bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp đắc lực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Trần Huy Quân
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương)