Các nhà sản xuất trò chơi điện tử đang hy vọng sẽ cắt giảm được hàng triệu USD ngân sách bằng cách áp dụng các công cụ AI có thể tự tạo ra các đoạn hội thoại, nhân vật và phong cảnh.
Từ quan điểm của người chơi, công nghệ này hứa hẹn sẽ cải thiện trải nghiệm chơi trò chơi khi họ tương tác với các nhân vật giống như thật hơn và cốt truyện năng động hơn.
Unity Software trong tuần này đã ra mắt công nghệ AI mà hãng cho biết sẽ đơn giản hóa việc tạo nội dung ba chiều và hoạt ảnh cho 1,8 triệu nhà phát triển thường xuyên sử dụng sản phẩm của hãng.
Các nhà phát triển có thể đăng ký dùng thử các sản phẩm mà Unity đã ra mắt vào thứ Ba tuần tới. Các công ty AI khác cũng có thể làm cho ứng dụng của họ tương thích với bộ công cụ của Unity thông qua một nền tảng mới được ra mắt. Giá cổ phiếu của Unity tăng khoảng 15% sau thông tin này.
Trong khi đó, hàng triệu người chơi ở Trung Quốc sẽ thử nghiệm công nghệ tương tự khi NetEase, một trong những công ty trò chơi lớn nhất châu Á, ra mắt Justice Mobile, một tựa game có các nhân vật được hỗ trợ bởi AI.
Justice Mobile sẽ là thử nghiệm thị trường đại chúng đầu tiên về ứng dụng AI tổng quát trong một trò chơi chính thống. Hơn 40 triệu người chơi đã đăng ký trước để trải nghiệm trò chơi này.
Phòng thí nghiệm AI của NetEase đã đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình, tương tự như ChatGPT, dựa trên văn học thời nhà Tống để hỗ trợ phản hồi trong trò chơi, bao gồm cả giọng nói và biểu cảm của các nhân vật.
Các công ty đã buộc phải trì hoãn việc phát hành hàng chục trò chơi trong hai năm qua, bao gồm cả Starfield of Bethesda do Microsoft sở hữu và The Legend of Zelda mới nhất của Nintendo.
John Riccitiello, giám đốc điều hành của Unity có trụ sở tại San Francisco, cho biết tác động của AI đối với trò chơi “có thể lớn hơn và nhanh hơn” so với những thay đổi trước đó với card đồ họa hay smartphone.
NetEase cho biết các NPC của Justice Mobile sẽ “tự chủ” và “sống động như thật” khi trò chuyện với người chơi. Các nhân vật này cũng sẽ phát triển các đặc điểm tính cách của riêng mình thay vì dựa vào các tương tác theo kịch bản như các nhân vật trong trò chơi thường làm.
Ubisoft cũng đang thử nghiệm tự động hóa một số kịch bản trong trò chơi bằng công cụ Ghostwriter của mình, trong khi Roblox cho biết họ sẽ cho phép người chơi tạo nội dung trong trò chơi bằng cách viết chữ thay vì coding.
Các nhà đầu tư mạo hiểm tại Andreessen Horowitz dự đoán các công ty sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí để sản xuất các tựa game mới. Các trò chơi bom tấn như Grand Theft Auto hay Call of Duty có thể tiêu tốn hàng trăm triệu USD để sản xuất game mới.
Julian Togelius, phó giáo sư tại khoa kỹ thuật và khoa học máy tính tại Đại học New York, cho biết ngành công nghiệp trò chơi đang bước vào “thời kỳ biến động” trong đó tiềm năng “đáng kinh ngạc” của AI nên được sử dụng một cách cân bằng.
Hoàng Tôn (theo FT)