Ngành công nghiệp ghi dấu những bước tiến mới

Việt NamViệt Nam05/02/2025


Cập nhật ngày: 05/02/2025 05:17:52

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250205052004bx4-1.mp3

 

ĐTO - Khép lại một năm với nhiều cơ hội và thách thức ngành công nghiệp tỉnh nhà góp thêm nhiều “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế Đất Sen hồng. Đặc biệt, công nghiệp chế biến nông sản đi vào chiều sâu, phát triển theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế số...


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa thường xuyên có những chuyến thăm doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp phát triển

NÂNG CAO GIÁ TRỊ NÔNG SẢN

Mang khát vọng phát triển bền vững kinh tế tỉnh nhà, Đồng Tháp tập trung đồng bộ các giải pháp thực thiện Kết luận 248-KL/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến cuối năm 2025, giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước đạt 86.110 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 5,84%/năm, tỷ trọng ngành công nghiệp ước đạt 15,82% trong GRDP của tỉnh.

Bà Võ Phương Thủy - Giám đốc Sở Công thương cho biết, chế biến thủy sản là ngành hàng công nghiệp chủ lực, góp phần gia tăng chuỗi giá trị ngành hàng của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 710 doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp, tăng 270 DN so với cuối năm 2020. Trong đó, số lượng DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 91%. Qua đó thúc đẩy giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đến năm 2025 ước đạt 13.795 tỷ đồng, bình quân tăng 5,84%/năm. Giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp ước thu hút được 110 dự án đầu tư (có 8 dự án FDI). Riêng lĩnh vực công nghiệp có 22 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến sử dụng công nghệ mới, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng 9,13%/năm. Đối với giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa biên mậu ước tăng bình quân 24,1%/năm.

Trên địa bàn tỉnh có 4 khu công nghiệp (KCN) có quyết định thành lập. Trong đó có 3 KCN đưa vào hoạt động, thu hút được 66 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12.170 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 15 cụm công nghiệp (CCN) có quyết định thành lập, trong đó có 12 CCN đưa vào hoạt động, thu hút được 62 dự án của 45 DN đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 15.395 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 16.200 lao động.

Bà Phạm Thị Ngọc Đào - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, qua trao đổi, tìm hiểu, nhiều DN cùng chung nhận định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Đồng Tháp có sự nhất quán từ lãnh đạo tỉnh đến cán bộ, công chức với mục tiêu chung là chắt chiu cơ hội, tạo thuận lợi cho DN phát triển. Đáng chú ý, Đồng Tháp còn khơi dậy sự sáng tạo của các thành phần trong xã hội tạo ra những sản phẩm công nghiệp mới, phát huy từ tài nguyên bản địa.

Thời gian qua, nhiều dự án giao thông có quy mô, kết nối liên vùng  được Trung ương và tỉnh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hệ thống giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện kết nối các khu, CCN của tỉnh. Đồng hành cùng DN, công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính của địa phương được tập trung thực hiện, rút ngắn thời gian giải quyết hơn 500 thủ tục trên nhiều lĩnh vực. Ông Ashnit Sethia - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dầu gạo Sethia Hemraj, KCN Sa Đéc (TP Sa Đéc) chia sẻ, bên cạnh nguồn nguyên liệu dồi dào, điểm cốt yếu để DN lựa chọn Đồng Tháp làm điểm đến đầu tư chính là tinh thần đồng hành cùng DN của lãnh đạo tỉnh. Thời gian qua, sản phẩm dầu gạo của công ty được xuất khẩu đạt nhiều kết quả khả quan. Từ sự thuận lợi đó, công ty mở rộng sản xuất, phát triển thêm sản phẩm mới là dầu đậu nành, góp phần mở ra cơ hội phát triển cho nông nghiệp Đồng Tháp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ, ngành công nghiệp của tỉnh còn non trẻ nhưng lại có bước tiến lớn, chiếm 15 - 16% trong cơ cấu kinh tế, trở thành động lực rõ nét trong phát triển kinh tế, nâng cao giá trị nông nghiệp, tạo việc làm, thu ngân sách. Từ những kết quả đó, Đồng Tháp tiếp tục định hướng phát triển công nghiệp xanh, bền vững, đặc biệt là luôn giữ vững phương châm “Đồng hành cùng DN”, chia sẻ khó khăn, chắt chiu từng cơ hội cho DN phát triển.


Quy trình sản xuất ống hút được làm từ bột gạo của Công ty Cổ phần Tinh Bột Xanh (TP Sa Đéc)

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP THEO CHIỀU SÂU

Tiếp tục hành trình tái cơ cấu ngành công nghiệp, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện năm 2025 là triển khai quy hoạch, tập trung khai thác lợi thế phát triển, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp đến năm 2025 đạt ít nhất 20% trong GRDP của tỉnh. Đối với giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh phấn đấu tỷ trọng ngành công nghiệp đạt ít nhất 25% trong GRDP, công nghiệp chế tạo đạt 10% trong cơ cấu ngành công nghiệp; có thêm ít nhất 2 KCN khởi công mới hoàn thành đi vào hoạt động. Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tổng hợp đa ngành, lĩnh vực; hình thành các trung tâm chế biến nông thủy sản, thực phẩm theo cụm liên kết gắn với phát triển hệ thống logistics...

Nhận diện được tiềm năng ngành hàng lúa gạo còn rất lớn, ông Trần Trương Tấn Tài - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam chia sẻ, công ty nghiên cứu, phát triển gạo “cacbon thấp” để khai thác thị trường trong nước còn nhiều dư địa. Đồng thời tiến tới hợp tác với DN đầu tư chế biến khai thác sâu giá trị phụ phẩm từ rơm rạ.

Nhằm đảm bảo kết nối, giao thương, vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics cho DN, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Công thương tập trung rà soát nhu cầu phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2026 - 2030 để tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mở mới các tuyến đường tỉnh có tính chất trọng điểm, trục động lực mang tính liên kết vùng, có sức lan tỏa lớn, kết nối các tuyến cao tốc, quốc lộ với các khu, CCN...

Về định hướng nâng cao năng lực công nghệ sản xuất của DN thuộc các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, ông Nguyễn Thái Bình - Quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian tới, đơn vị tập trung thực hiện các nhóm giải pháp cơ chế, chính sách; thúc đẩy đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến, chế tạo theo hướng hiện đại hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển, hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.


Cá tra phi-lê, mặt hàng xuất khẩu chiến lược 
của tỉnh

Để tái cơ cấu ngành công nghiệp trở thành sức bật phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới, đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, tỉnh cần xác định những lợi thế, tiềm năng, giải pháp hiệu quả để tiếp tục tạo được sự bứt phá. Đồng thời tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp tại các khu, CCN và xây dựng các chính sách phù hợp để tạo sức hấp dẫn, giữ chân nhà đầu tư, DN mở rộng sản xuất và phát triển dự án mới. Tiếp tục đẩy mạnh đồng hành cùng DN, tháo gỡ khó khăn, tận dụng cơ hội cho DN phát triển theo tinh thần “đủ, đúng, nhanh”. Trong công tác phát triển nguồn nhân lực cần quan tâm đào tạo với hình thức đón đầu và theo địa chỉ để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển công nghiệp của DN...

Y Du



Nguồn: https://baodongthap.vn/nong-nghiep/nganh-cong-nghiep-ghi-dau-nhung-buoc-tien-moi-129028.aspx

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available