Nhiều địa phương triển khai còn chậm
Sáng 29/9, theo nguồn tin PV Dân Việt, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, đã có văn bản gửi, hối thúc các địa phương khẩn trương triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024, trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát đến tháng 8/2024, Sở NN&PTNT cho biết, mới có 3 địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận OCOP/13 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Cụ thể 2 huyện Tư Nghĩa là 4 sản phẩm, Bình Sơn (1 sản phẩm) và TP.Quảng Ngãi là 8 sản phẩm; có 4 địa phương đã tổ chức triển khai đấu thầu các gói thầu thuộc nhóm, lĩnh vực tư vấn OCOP trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, gồm các huyện Trà Bồng, Nghĩa Hành, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi…
Do đó, để đảm bảo mục tiêu, kế hoạch Chương trình OCOP năm 2024 đề ra, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương phối hợp, triển khai, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan, khẩn trương thực hiện các nội dung Chương trình OCOP năm 2024 theo kế hoạch.
Tiếp tục tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP, trong đó Sở NN&PTNT lưu ý các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024, phải được cấp mã vạch, mã Qr code truy xuất nguồn gốc (thời hạn sử dụng ít nhất trong vòng 36 tháng, tương đương với thời hạn giấy chứng nhận OCOP được cấp).
Các tài khoản mã vạch, mã Qr code sau khi được cấp, phải bàn giao cho chủ thể OCOP để vận hành, cập nhật về quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm,… nhằm tránh tình trạng sau khi đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận OCOP thì các tài khoản mã vạch, mã Qr code truy xuất nguồn gốc hết hạn, ngưng hoạt động gây khó khăn cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng, trong quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Loại bỏ sản phẩm bị “rơi” chuẩn, không còn phù hợp
Một số nội dung liên quan mà Sở NN&PTNT đã yêu cầu đáng chú ý khác, đó là tiếp tục tập trung nâng cấp, nâng hạng sản phẩm đối với các sản phẩm có tiềm năng đạt OCOP 4 – 5 sao, góp phần hoàn thành mục tiêu số sản phẩm OCOP 4 sao/trên tổng số xã, theo kế hoạch đã được cấp thẩm quyền tỉnh UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành.
Các huyện, thị và thành phố của tỉnh, chủ động rà soát, đánh giá phân hạng lại các sản phẩm sắp hết hạn theo quy định.
Trên cơ sở này xem xét đề nghị cấp thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (sản phẩm OCOP 3 sao đối với cấp huyện và sản phẩm OCOP 4 sao đối với cấp tỉnh) không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường; các sản phẩm không có sức cạnh trạnh trên thị trường và các tiêu chí khác theo quy định hiện hành.
Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, quản lý chứng nhận sản phẩm OCOP, sử dụng logo, biểu trưng OCOP theo quy định; đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm OCOP; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về cơ quan thường trực Chương trình OCOP tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các nếu có khó khăn, vướng mắc thì yêu cầu các địa phương, có văn bản gửi Sở NN&PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND chỉ đạo kịp thời.
Nguồn: https://danviet.vn/nganh-chuc-nang-tinh-quang-ngai-hoi-thuc-cac-huyen-trien-khai-chuong-trinh-ocop-nam-2024-20240929103402413.htm