Cụ thể, bạn đọc Cẩm Châu (Q.5, TP. HCM) đặt câu hỏi: Chúng tôi kinh doanh tại chợ truyền thống An Đông, nhưng bao năm qua lại phải trả tiền theo giá mua điện của trung tâm thương mại. Hiện tại, giá bán buôn điện cho chợ theo điều chỉnh mới của EVN là 2.451 đồng/kWh, nhưng tiểu thương của chợ đang trả cho Ban Quản lý 3.800 đồng/kWh. Xin Điện lực TP.HCM làm việc với Điện lực Chợ Lớn, UBND Q.5, Ban quản lý chợ An Đông.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM: Chợ An Đông chưa đủ điều kiện bán điện theo giá bán buôn. Điện lực TP.HCM cũng đã làm việc với Ban quản lý Chợ An Đông, tuy nhiên phía Ban quản lý không đồng ý cho chúng tôi bán điện trực tiếp cho tiểu thương. Để ngành điện có thể bán điện trực tiếp cho tiểu thương theo giá bán buôn thì các tiểu thương và ngành điện có thể cùng kiến nghị với Sở Công thương TP.HCM để cấp giấy phép điện lực cho Ban quản lý chợ để có đủ điều kiện hoặc Ban quản lý chợ bàn giao nhóm khách hàng này cho điện lực.
Bạn đọc Quốc Minh (An Giang): Người tiêu dùng có trả tiền cho lượng điện thất thoát của hệ thống không?
Ông Đặng Nguyên Phương, Trưởng Ban Kinh doanh, Tổng Công ty điện lực Miền Nam: Chi phí sản xuất ra điện, tổn thất điện năng cũng là những thành phần được tích hợp vào cơ cấu giá thành và việc tổn thất được giám sát theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc tổn thất điện Chính phủ giao lộ trình 5 năm. Chúng ta đang là một trong những nước trong khu vực có hiệu quả giảm tổn thất tốt nhất nên thực tế, tỉ lệ thất ngày càng nhỏ.
Một bạn đọc hỏi: Giá điện có gánh các chính sách an sinh xã hội?
Đại diện EVN: Hiện nay, các hộ nghèo và chính sách là đối tượng được hưởng chế độ theo quy định của nhà nước theo hai tiêu chí. 1/ Là các hộ thuộc diện chính sách xã hội theo quy định. 2/ Lượng điện sử dụng trong tháng dưới 50kWh. Mức hỗ trợ được quy định sản lượng dưới 30kWh, tính giá theo bậc 1. Tiền hỗ trợ được cho những đối tượng này được trích từ ngân sách nhà nước nên không ảnh hưởng để doanh thu của ngành điện.