Vừa qua, cử tri Tây Ninh kiến nghị Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp hiệu quả hơn để phát hiện, xử lý các trang thông tin, các ứng dụng mạng xã hội, các thuê bao nhắn tin quảng cáo, rao vặt liên quan đến tín dụng đen, cho vay ngân hàng, cho vay trực tuyến không đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ngành chức năng cần có cơ chế quản lý các dịch vụ cho vay tiền qua các ứng dụng mạng đối với các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống ngân hàng; công bố các ứng dụng cho vay hợp pháp để người dân biết.
Về vấn đề trên, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời cho biết, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định các biện pháp rất chặt chẽ để bảo đảm ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; nâng mức xử phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi gửi tin nhắn rác, gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo; phạt tiền đến 200 triệu đồng đối với hành vi không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác. Ngoài ra, còn bị buộc hoàn trả hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; bị buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông.
Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27.1.2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP trong đó đã sửa đổi, bổ sung hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ phát triển thuê bao mới áp dụng đối với các hành vi vi phạm về quản lý thông tin thuê bao.
Tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 1 tháng đến 12 tháng. Đây là hình thức xử phạt rất nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp viễn thông. Quy định bổ sung hình thức xử phạt thu hồi số thuê bao phát tán rác.
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thanh tra, phát hiện, xử lý và chuyển cơ quan Công an đề nghị xử lý hình sự nhiều đối tượng vi phạm về phát tán tin nhắn rác; mua và sử dụng sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao; hành vi quấy rối điện thoại…
Để phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển đất nước, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiến hành thực hiện một số giải pháp như:
Giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp trong việc thực hiện, khắc phục các tồn tại, sai phạm về quản lý thông tin thuê bao, chấp hành các kết luận kiểm tra, thanh tra; tập trung đánh giá, phát hiện dấu hiệu vi phạm, thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm minh đối với các doanh nghiệp vẫn tiếp tục xảy ra sai phạm; sử dụng phương tiện, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật viễn thông để rà quét, phát hiện, bắt giữ các đối tượng sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân về các phương thức, thủ đoạn gọi điện lừa đảo; biện pháp chặn cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo để người dân biết, chủ động thực hiện.
Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo bất hợp pháp, không sử dụng tên định danh, các cuộc gọi đòi nợ, quấy rối, lừa đảo; tăng cường thanh tra, xử lý doanh nghiệp nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác; triển khai thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về an toàn thông tin mạng và cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động đối với các doanh nghiệp viễn thông di động.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng bộ tiêu chí xác định cuộc gọi rác để chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông ngăn chặn; chỉ đạo doanh nghiệp nhắc nhở, chấn chỉnh, cắt dịch vụ thuê bao quấy rối.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân về các phương thức, thủ đoạn gọi điện lừa đảo; biện pháp chặn cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo để người dân biết, chủ động thực hiện; tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là đối với các quảng cáo, rao vặt liên quan đến tín dụng đen và các hành vi vu khống, bôi nhọ tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
Tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động đánh giá thực trạng và dự báo xu thế phát triển của các hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực tài chính, hoạt động “tín dụng đen” và các hành vi vu khống, bôi nhọ tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
Hoạt động tín dụng, cho vay là lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 16/2017/NĐ-CP; các tổ chức có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp mới được phép hoạt động tín dụng. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tuyên truyền phòng, chống tội phạm nói chung và cho vay tài chính “tín dụng đen” nói riêng trên không gian mạng.
Bộ Công an cũng trả lời về nội dung kiến nghị trên của cử tri Tây Ninh. Theo đó, thời gian vừa qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, video quảng cáo các ứng dụng (app) thanh toán hộ, các trang web kiếm tiền qua mạng, các nền tảng giao dịch tài chính chưa được cấp phép có tính chất lừa đảo gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Đồng thời, xuất hiện nhiều hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng, phổ biến là các ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại thông minh, ví điện tử, các trang mạng cho vay, hỗ trợ tài chính. Hoạt động này khai thác triệt để các ứng dụng, các dịch vụ viễn thông, các trang web quảng cáo, các trang mạng xã hội để quảng bá, lôi kéo, hướng dẫn và đưa ra các chính sách hấp dẫn tới người có nhu cầu.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó có Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Tăng cường công tác nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm liên quan đến các ứng dụng, website kiếm tiền qua mạng, các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân, vàng, forex, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép trên địa bàn cả nước; tổ chức điều tra, xác minh, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với tội phạm, vi phạm pháp luật, tạo sức răn đe, đẩy lùi hoạt động của loại tội phạm trên; khẩn trương tiếp nhận, xử lý 100% tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Nâng cao hiệu quả hoạt động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa xã hội; xây dựng các phóng sự, bài viết tuyên truyền, cảnh báo người dân về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến app vay tiền, lừa đảo và các tổ chức cho vay tiền trực tuyến trái phép, giúp người dân phòng ngừa, không bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo tham gia và kịp thời tố giác tội phạm.
Đẩy mạnh công tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng giữa các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, nhất là trong công tác chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác đấu tranh, xử lý tội phạm; công bố các ứng dụng cho vay hợp pháp, tuyên truyền cho người dân cẩn thận khi vay tiền trực tuyến (cần tìm hiểu thật kỹ trước khi vay tiền qua website, app…).
Rà soát, phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật góp phần quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống hoạt động “tín dụng đen” thông qua các trang mạng điện tử.
An Khang