Lúa gạo và thuỷ sản “hút” tín dụng
Phát biểu tại hội nghị Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức chiều 15/9 tại TP. Cần Thơ, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, doanh nghiệp (DN) hiện gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu do nhu cầu tiêu dùng đều giảm.
Khó khăn của DN không thể không tác động đến hoạt động của các ngân hàng. Bối cảnh trong nước và quốc tế khiến cho việc điều hành chính sách tiền tệ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay.
Để hỗ trợ cho DN, từ đầu năm NHNN đã giảm lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất cho vay. Phó Thống đốc khẳng định hệ thống ngân hàng hiện nay không thiếu tiền, thậm chí đang rất thừa.
“Ngân hàng đang chữa bệnh thừa tiền. Nếu thiếu thì chữa rất khó nhưng thừa tiền thì chữa còn khó hơn khi không cho vay ra được”, ông Tú nói. “Cũng giống như DN tồn kho hàng hóa thì ngân hàng thừa kho tiền. Do đó, ngân hàng cần đẩy mạnh tăng tín dụng hơn nữa để tiếp tục đồng hành với DN.”
Cũng theo ông Tú, tháo gỡ khó khăn của DN thì phải có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ được hàng hóa. Trường hợp không tiêu thụ hàng hóa thì ngân hàng thương mại nên xem xét cho vay để tạm trữ hàng hóa, đảm bảo thời gian tới bán được hàng hóa, thu hồi được tiền.
Hiện, ngành lúa gạo, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng.
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022.
Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các TCTD quan tâm, với dư nợ đạt gần 535.000 tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản – là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng. Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.
Tuy nhiên, bà Hà Thu Giang cho biết, nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch dẫn đến không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.
Doanh nghiệp xếp hàng cho vay
Theo ông Nguyễn Tấn Viễn – đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long và Công ty Thức ăn chăn nuôi Putin – để thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng, nhà nước cần có chính sách tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, trong đó thực hiện các giải pháp thúc đẩy SXKD, tiêu dùng, các giải pháp về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo điều kiện cho DN mở rộng SXKD, khi đó DN mới mạnh dạn vay vốn ngân hàng.
Ông Viễn cũng bày tỏ mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long là ngành ngân hàng tiếp tục duy trì và triển khai các chính sách tín dụng cho DN, cần rút ngắn thời gian cũng như thủ tục trong việc thẩm định, xét duyệt cho vay và giải ngân vốn, nhất là vốn lưu động. Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp cắt giảm lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty Trung An, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua và xuất khẩu lúa gạo ở ĐBSCL cho rằng, những năm gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không hề bị thiếu vốn.
“Hiện các DN cần vốn thì ngân hàng đã mở hạn mức tín dụng cho DN xuất khẩu gạo. Cho nên vốn để thu mua lúa gạo phục vụ chế biến, xuất khẩu là không thiếu.
Doanh nghiệp của tôi gần 20 năm nay chưa lúc nào không tiếp cận được vốn. Thậm chí có lúc ngân hàng còn phải xếp hàng chào mời”, ông Bình nói nhưng cũng lưu ý thêm: Nói như vậy không phải không có doanh nghiệp bị thiếu vốn, nhưng cần phải xem lại vì sao DN đó lại không tiếp cận được vốn.
Theo ông Bình, kể từ tháng 10/2022, DN hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo đang phải chịu lãi suất cao hơn so với trước đây. Trước đây DN chỉ phải vay lãi suất 6,5% nhưng từ tháng 10/2022 đến nay lãi suất lên 7 – 8%/năm. Trong khi đó, quy định của NHNN là lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu gạo thì lãi suất tối đa dưới 5%.
“Lãi suất như hiện nay thì DN sẽ thực sự khó khăn”, ông Bình bày tỏ.