Sự việc này diễn ra từ năm 2023 tại Trung Quốc, mới đây được chia sẻ trở lại và thu hút sự chú ý.
Theo Sohu, vào mùa hè năm ngoái, sau khi biết tin con gái đỗ vào trường đại học top đầu, anh Xu (Chiết Giang, Trung Quốc) đã chuyển số tiền 16.000 NDT (khoảng 55 triệu đồng) vào tài khoản của con gái để trả tiền học phí cũng như một số chi phí sinh hoạt khác. Tuy nhiên, không ngờ là chỉ 2 ngày sau, anh bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của con gái thông báo tài khoản ngân hàng đã hết tiền, chỉ còn đúng 8,6 NDT (khoảng 29 nghìn đồng). Trong khi đó, cô con gái khẳng định chưa tiêu đến số tiền bố gửi.
Biết con gái mình là một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện nên anh Xu nghi ngờ lỗi thuộc về phía ngân hàng. Sau đó, anh đến ngân hàng để kiểm tra. Sự thật là tài khoản của con gái anh không còn tiền.
Tìm giao dịch viên của ngân hàng và yêu cầu kiểm tra tình trạng thẻ ngân hàng của con gái, anh nhận được câu trả lời có phần gượng gạo: “Vấn đề này hơi phức tạp và không thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Quý khách cần kiên nhẫn chờ ngân hàng xử lý”.
Sau 1 tuần chờ đợi, anh Xu không nhận được bất kỳ thông tin gì từ phía ngân hàng. Cảm thấy bồn chồn, người đàn ông này lại đến làm việc, nhưng anh khá bất ngờ trước những câu trả lời mơ hồ và không thể đưa ra lời giải thích thoả đáng cho khách hàng.
Để làm rõ chuyện này, anh liên hệ phóng viên địa phương hỗ trợ. Sau khi kiểm tra sao kê từ thẻ ngân hàng của con gái anh Xu, giao dịch viên phát hiện có hơn 300 giao dịch trừ tiền đến cùng 1 tài khoản, mỗi lần trừ khoảng 50 NDT (khoảng 173.000 đồng) cho đến khi số dư không đủ, chỉ còn đúng 8,6 NDT (khoảng 29.000 đồng).
Kiểm tra kỹ hơn, phía ngân hàng cho biết đơn vị khấu trừ tự động chính là trường cấp 3 mà con gái anh Xu từng theo học. Vì mỗi lần trừ tiền không có tin nhắn thông báo nên chủ tài khoản dường như không biết chuyện gì đang xảy ra.
Theo như lời giải thích của người bố này, khi con gái còn học cấp 3, nhà trường đã yêu cầu tích hợp thẻ ăn với tài khoản ngân hàng của học sinh. Mục đích là để tiền sẽ được tự động chuyển vào và bổ sung khi thẻ ăn đã hết tiền. Tuy nhiên, vào thời điểm trừ tiền, con gái anh đã tốt nghiệp cấp 3 được mấy tháng. Tại sao nhà trường vẫn thực hiện lệnh trừ tiền?
Về vấn đề này, anh Xu tỏ ra vô cùng bức xúc. Bởi sau khi con gái tốt nghiệp, anh đã đến ngân hàng yêu cầu huỷ thẻ ngân hàng có liên kết với trường. Tuy nhiên, giao dịch viên nói rằng vẫn có thể giao dịch bình thường nên anh mới giữ lại cho con gái tiếp tục sử dụng khi lên đại học. Hiện số tiền 16.000 NDT bị trừ sạch. Anh cho rằng phía ngân hàng phải có trách nhiệm.
Trước thắc mắc của khách hàng, nhân viên cho biết hình thức trừ tiền này là sự cộng tác giữa 1 công ty dịch vụ và nhà trường. Ngân hàng chỉ thực hiện lệnh trừ tiền tự động và không thể hoàn trả. Nếu khách hàng muốn lấy lại tiền, chỉ có thể liên hệ với nhà trường và công ty dịch vụ.
Nhận thấy phía ngân hàng đùn đẩy trách nhiệm, anh Xu tiếp tục nhờ đến sự hỗ trợ của truyền thông. Tuy nhiên, phía ngân hàng cho biết họ cần bảo mật quy trình làm việc, không thể tiết lộ cho truyền thông. Nhưng khi phóng viên hỏi về thời hạn giải quyết, nhân viên do dự và không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Tức giận vì không thể lấy được tiền trong khi hạn nộp tiền học của con gái đang đến gần, anh Xu cho biết sẽ khiếu nại vụ việc lên Uỷ ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc. Nhận thấy thái độ của vị khách này vô cùng cứng rắn, giao dịch viên đã báo cáo vụ việc cho người phụ trách.
Không lâu sau, anh nhận được thông báo về việc ngân hàng đã liên lạc và đàm phán với trường và công ty dịch vụ. Nhà trường đồng ý yêu cầu hoàn trả số tiền cho con gái anh. Chỉ 3 ngày sau đó, anh nhận được đủ số tiền đã bị trừ.
Theo Sohu
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nu-sinh-duoc-bo-cho-55-trieu-dong-de-dong-hoc-chua-kip-nop-tai-khoan-con-dung-29-nghin-ngan-hang-tu-choi-trach-nhiem-172240909073207707.htm