Nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023, trong đó có SeABank. (Ảnh HUY HƯNG)
Câu chuyện tăng vốn đang ngày càng trở nên cấp thiết trong môi trường rủi ro tín dụng và nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Một mặt, “bộ đệm vốn” dày dặn sẽ giúp các ngân hàng giảm tổn thất khi rủi ro xảy ra; mặt khác cũng bảo đảm hệ số an toàn vốn, nâng cao khả năng tài chính để hiện thực hóa các chiến lược kinh doanh.
Cấp tập lên kế hoạch tăng vốn
Mùa đại hội đồng cổ đông các NHTM năm nay vừa kết thúc. Một trong những câu chuyện “làm nóng” đại hội được cổ đông quan tâm chính là kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng. Mỗi một NHTM sẽ chọn con đường tăng vốn riêng, song nhìn chung phương án tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP),… khá phổ biến.
Thời điểm hiện tại, phần lớn các NHTM lựa chọn kế hoạch tăng vốn qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành ESOP. Ðơn cử tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Techcombank Hồ Hùng Anh đã chia sẻ về phương án tăng vốn điều lệ trong năm. Theo đó, Techcombank đặt kế hoạch phát hành gần 5,3 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 35.225 tỷ đồng.
“Ðối tượng tham gia chương trình nêu trên sẽ bao gồm cả lao động nước ngoài cho nên sẽ có sự thay đổi về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của Techcombank. Vì vậy, ngân hàng sẽ trình cổ đông phê duyệt việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4595% thành 22,4860%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2023”, ông Hồ Hùng Anh cho biết.
Ngân hàng MB cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu trong năm 2023. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2022 để lại của MB sau khi trích các quỹ là 12.151 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế (bao gồm lợi nhuận để lại các năm trước) là 13.261 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dùng 9.068 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% sẽ giúp vốn điều lệ của MB tăng thêm 6.801 tỷ đồng. Ðồng thời, MB cũng dự kiến tăng thêm 1.542 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông năm 2022 thông qua và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận. Vốn điều lệ dự kiến của MB sau khi hoàn thành việc tăng vốn điều lệ năm 2023 là 53.683 tỷ đồng.
Ðáng chú ý, mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông tin về tình hình tăng vốn điều lệ cho 4 NHTM nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Ðến cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Thủ tướng phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại các năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt.
Ðồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đạo Vietcombank, VietinBank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 trình Thủ tướng phê duyệt. Riêng Agribank, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Thủ tướng và dự thảo tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ. Ngày 25/4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 thêm 17.100 tỷ đồng.
Giải pháp cấp thiết
Với những diễn biến trên thị trường thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong năm 2023, khối NHTM nhà nước được kỳ vọng sẽ trở thành “điểm sáng” của hoạt động tăng vốn. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến cuối tháng 1/2023, 4 NHTM nhà nước nêu trên có vốn điều lệ đạt 180.400 tỷ đồng.
Trước đó, tính đến hết năm 2022, vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt 876.993 tỷ đồng, tăng 13,04% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn điều lệ của khối NHTM có vốn Nhà nước chiếm hơn 50%, đạt 190.433 tỷ đồng, tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2021. Còn khối NHTM cổ phần có tổng vốn điều lệ đạt 469.409 tỷ đồng, tăng 19,26% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế quá trình tăng vốn của các NHTM thời gian qua có thể thấy, không phải tất cả đều đạt được kế hoạch đã đề ra, có ngân hàng chỉ hoàn thành một phần. Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2022, chỉ có 15 trong 27 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ. Ở nhóm NHTM nhà nước, chỉ có Vietcombank tăng vốn điều lệ thêm 28%. Nhóm NHTM cổ phần tư nhân bình quân tăng trưởng khoảng 21% (năm 2021 là 25%).
Theo chuyên gia kinh tế-TS Nguyễn Trí Hiếu, việc nợ xấu gia tăng tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống. Tính đến cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2% vào cuối năm 2022). Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán chất lượng tài sản trong thời gian tới, trong đó áp lực nợ xấu tăng và tăng trích lập dự phòng sẽ tương đối lớn. Do đó, việc gia cố cho “bộ đệm vốn” dày dặn hơn cũng sẽ giúp các ngân hàng ít bị tổn thất khi rủi ro xảy ra. Ðây cũng là bài học được rút ra bởi rất nhiều cuộc khủng hoảng tài chính-ngân hàng trên thế giới.
Bên cạnh đó, hệ số an toàn vốn (CAR) của nhiều ngân hàng cũng vẫn đang ở mức thấp. Mặc dù các NHTM đã tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, nhưng so với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt vẫn còn mỏng. Trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện Basel 3 hoặc một phần Basel 3, Việt Nam mới thực hiện Basel 2. Vì vậy, trong năm 2023, và cả những năm tiếp theo, tăng vốn điều lệ vẫn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các NHTM.